Ngày 14/6, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp tại Brussels (Bỉ) với sự tham dự của nguyên thủ nhiều nước thành viên, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden. Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo NATO ra tuyên bố chung đề cập nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại, trong đó đáng chú ý nhất là nội dung liên quan đến Trung Quốc.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi lãnh đạo các quốc gia thành viên trong khối xây dựng một chính sách chung mạnh mẽ hơn đối với một Trung Quốc đang ngày càng chiếm ưu thế. Nguồn: Getty. |
Theo giới phân tích, với việc tuyên bố chung coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh, thách thức về mọi mặt, NATO đang nhấn mạnh lập trường mạnh mẽ chưa từng có đối với Trung Quốc, đồng thời hướng tới một trạng thái quan hệ mới với Bắc Kinh theo chiều cứng rắn hơn.
NATO coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh, thách thức mang tính hệ thống
Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo NATO coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh, thách thức mang tính hệ thống, đồng thời cam kết chống lại sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Trích đoạn tuyên bố chung nêu rõ "Những hành vi quyết đoán và tham vọng của Trung Quốc đã đặt ra những thách thức về mọi mặt đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và các lĩnh vực liên quan tới an ninh liên minh".
Nhấn mạnh về lập trường này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định, sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc từ Baltic tới châu Phi buộc NATO phải có sự chuẩn bị: "Trung Quốc đang tiến gần chúng ta hơn. Chúng ta thấy Trung Quốc trên không gian mạng, ở châu Phi và cũng thấy Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng ta. Chúng ta cần cùng nhau ứng phó như một liên minh”.
Lãnh đạo các nước thành viên NATO ngày 14-6 ra thông cáo chung về cuộc họp thượng đỉnh, gọi Trung Quốc là "thách thức mang tính hệ thống". Ảnh: Reuters |
Tuyên bố chung của NATO đưa ra một ngày sau khi nhóm G7 với hầu hết thành viên là các nước thuộc NATO, ra tuyên bố về một loạt vấn đề cũng liên quan đến Trung Quốc như vấn đề nhân quyền ở khu vực Tân Cương, tăng cường tự chủ của Hong Kong và duy trì hòa bình, ổn định trên eo biển Đài Loan. Đây đều được coi là những vấn đề nhạy cảm và luôn vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc.
Trước đó, tại cuộc họp với Ngoại trưởng các nước thành viên NATO ngày 23/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng kêu gọi "NATO tập trung vào một số thách thức mà Trung Quốc đặt ra cho trật tự quốc tế dựa trên luật lệ". Còn trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hồi tháng 4 năm nay, Đại tướng Stephen Townsend, Chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ (AFRICOM) nhấn mạnh rằng, nỗ lực thiết lập căn cứ Hải quân của Trung Quốc ở phía Tây châu Phi là "mối quan tâm hàng đầu trong cạnh tranh toàn cầu giữa các siêu cường".
Theo giới phân tích, với hàng loạt bước đi này, NATO dưới sự dẫn dắt của Mỹ, đang ngày càng xác lập lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc. Bởi vậy, cho dù Tổng thư ký NATO khẳng định rằng Trung Quốc "không phải đối thủ hay kẻ thù" của NATO và nhiều quan chức NATO cũng nhấn mạnh đây chỉ là hành động mang tính chất phòng vệ của khối, thì phản ứng của Trung Quốc là điều khó tránh khỏi.
Phản ứng quyết liệt của Trung Quốc
Thực tế, ngay say khi NATO ra tuyên bố chung hôm 14/6, Phái đoàn của Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) đã lập tức ra tuyên bố kêu gọi NATO nên nhìn nhận lý tính sự phát triển của Trung Quốc và ngừng thổi phồng "học thuyết về mối đe dọa Trung Quốc" dưới mọi hình thức. Người phát ngôn của Phái đoàn Trung Quốc khẳng định, việc NATO cho rằng Trung Quốc tạo ra "thách thức mang tính hệ thống", là sự “bôi nhọ” đối với sự phát triển hòa bình của nước này, là sự “phán đoán sai” về tình hình quốc tế và vai trò của chính họ, cũng là sự tiếp nối của tư duy Chiến tranh Lạnh và sự phá hoại của tâm lý chính trị theo nhóm. Trung Quốc theo đuổi chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự và việc nước này tiến hành hiện đại hóa quốc phòng và quân đội là chính đáng hợp lý, công khai minh bạch. Trung Quốc cam kết phát triển hòa bình, nhưng không bao giờ từ bỏ quyền bảo vệ hòa bình và sẽ trước sau như một kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của mình. Đặc biệt, Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao những điều chỉnh chiến lược của NATO, cũng như những điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc, đồng thời cảnh báo, nếu ai đó muốn "thách thức có hệ thống" đối với Trung Quốc, nước này sẽ không làm ngơ.
Trước đó, Bắc Kinh cũng đã nhanh chóng lên tiếng đáp trả tuyên bố chung của G7 về loạt vấn đề của Trung Quốc, coi đó là hành vi can thiệp nội bộ và kêu gọi NATO "ngừng vu khống".
Theo giới phân tích, bất luận các tranh cãi và chỉ trích giữa NATO và Trung Quốc diễn tiến ra sao, quan hệ giữa hai bên cũng đã chuyển sang một trạng thái mới khó đoán định hơn. Và theo đó, nguy cơ xảy ra các rủi ro đối với mối quan hệ này, cũng được đẩy lên ở mức cao hơn.