Mực nước sông Mekong thấp kỷ lục đe dọa các nước hạ nguồn

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Nếu dòng chảy sông Mekong không đủ lưu lượng, vùng hạ lưu con sông sẽ bị nhiễm mặn. 

Ngày 18/7, Ủy hội sông Mekong quốc tế (Mekong River Commission) xác nhận mực nước đầu mùa lũ tháng 6, tháng 7 năm nay trên dòng Mekong đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Mực nước sông Mekong xuống thấp gây tác động nghiêm trọng tới hàng trăm triệu cư dân các nước vùng hạ nguồn.

Mực nước sông Mekong thấp kỷ lục đe dọa các nước hạ nguồn - ảnh 1

Cùng nhau khai thác, sử dụng có trách nhiệm và hiệu quả dòng Mekong 

Với việc hàng năm có thể cung cấp đến 1,8 triệu tấn thủy sản và cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho toàn bộ vùng hạ lưu, sông Mekong là nguồn sống của hơn 100 triệu người ở các quốc gia hạ nguồn như Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Nếu dòng chảy sông Mekong không đủ lưu lượng, vùng hạ lưu con sông sẽ bị nhiễm mặn. Thiếu nước ngọt và phù sa sẽ làm đồng ruộng ở hạ nguồn khô cằn và bớt phì nhiêu. Đây là nguy cơ gây nên nạn đói kém, thiếu lương thực ở các quốc gia hạ nguồn.

Mức nước thấp nhất trong lịch sử

Theo ghi nhận ngày 18-7, ở Chiang Saen (Thái Lan), mực nước sông Mekong là 2,1m, thấp hơn 3,02 m so với mức trung bình cùng kỳ trong 57 năm (từ 1961-2018) và thấp hơn 0,75 m so với mực nước tối thiểu từng đo được ở đây. Tại Vientiane (Lào), mực nước là 0,70 m, thấp hơn 5,54 m so với trung bình cùng kỳ và 1,36 m so với mực nước tối thiểu. Trong ba ngày từ 16 đến 18-7, mực nước tại trạm đo này rút xuống 5,58 m. Ở tỉnh Kratie (Campuchia), nước sông cao 9,31 m, thấp hơn 5,4 m so với trung bình nhiều năm và nhỉnh hơn một chút (0,16 m) so với mức thấp nhất trong lịch sử 12 năm trước đây.

Mực nước sông Mekong thấp kỷ lục đe dọa các nước hạ nguồn - ảnh 2 Tiến sỹ Khem Sothea. - Ảnh: VOV

Trong khi đó, mực nước ở Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam cũng đang vô cùng thấp so với cùng kỳ. Người dân ở huyện An Phú, tỉnh An Giang, cho biết, hàng năm vào dịp này nước sông Mekong đã ngập trắng đồng nhưng nay nước không về, cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Lê Văn Kháng, 53 tuổi, ở ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú, chuyên sống bằng nghề đặt dớn bắt cá chia sẻ: “Không có nước, gia đình bà con mà sống chuyên nghiệp bằng nghề cá rất khó khăn, bởi không có nước là không có cá. Hoàn cảnh sống nghề lưới thì phải chịu khổ. Từ đầu mùa tới giờ hai, ba bữa mới ra đổ một bữa mà cá cũng không có mà kho nữa. Không có nước, lưới nó khô rang, chuột cắn tùm lum; mấy đứa con tôi phải đi tỉnh Bình Dương làm thuê để nuôi gia đình”.

Ông Nguyễn Văn Thanh, cũng ở ấp Phú Nhơn, có 10 công rộng chuyên trồng lúa. Do năm nay nước về trễ nên gia đình ông vẫn chưa sạ lúa. Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết: “Năm nay nó chưa có nước, còn khô cạn. Mọi năm là nước lên đồng rồi. Bây giờ không có nước thì sản xuất cũng mệt và khổ lắm, không có nước thì đất đâu có phù sa gì, bị khô hạn rồi. Bây giờ chỉ mong có nước để mình cày, xới thì đất mới có chất phù sa, đất có phù sa thì lúa nó mới có năng suất, nhẹ phân, nhẹ chi phí”.

Cùng nhau khai thác, sử dụng có trách nhiệm và hiệu quả dòng Mekong

Tiến sĩ Khem Sothea, chuyên gia dự báo lũ thuộc Ủy hội Sông Mekong, khẳng định mực nước sông Mekong xuống mức thấp như vậy vào mùa mưa là hiện tượng bất thường. Điều này bắt nguồn từ một số nguyên nhân như lượng mưa năm nay thấp, các sông nhánh đổ vào sông Mekong bị khai thác quá mức, và đặc biệt là do một số đập thủy điện trên thượng nguồn ngăn dòng chính để tích trữ nước vào hồ chứa.

Nước sông Mekong xuống thấp ngay cả vào mùa mưa như hiện nay gây ra những tác động nghiêm trọng đối với các nước dọc sông Mekong, đặc biệt là các quốc gia ở hạ nguồn như Campuchia và Việt Nam. Trước hết là hoạt động sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, không đủ lượng nước phục vụ trồng trọt. Thứ hai là hệ sinh thái và đa dạng sinh học dọc dòng sông cũng chịu tác động tiêu cực, nhiều loài sinh vật bị đe dọa, lượng cá của sông Mekong là nguồn thực phẩm quan trọng đối với người Campuchia và Việt Nam cũng bị sụt giảm. Thứ ba là giao thông đường thủy trong vùng hạ nguồn gặp nhiều khó khăn. Nghiêm trọng nhất là các địa phương thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam sẽ bị xâm nhập mặn.

Để giảm thiểu tác hại đến người dân vùng hạ nguồn, các nước cùng chung dòng Mekong cần phải giảm thiểu những tác động tiêu cực chủ quan do con người gây ra cho dòng sông. Các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mekong cũng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường chia sẻ thông tin về các hoạt động gây ảnh hưởng đến dòng chảy sông Mekong, kể cả tại các sông nhánh. Tiến tới trong tương lai, các quốc gia sẽ cùng nhau xây dựng và thống nhất một bộ luật về khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững đối với sông Mekong.

A2: Tiến sỹ Khem Sothea. Ảnh: VOV
A2: Tiến sỹ Khem Sothea. Ảnh: VOV

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
tamvv

Có năm nó hạn (theo chu kỳ).Cần thông kê kinh nghiệm kết quả quan trắc trong thời kỳ qua (1975 đến nay) để có Biểu đồ mô tả thực tế và tần suất lặp lại của "khi hậu"nước ta, các nguyên nhân (KQ,... Xem thêm