Một quyết định nguy hiểm

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria lại có bước ngoặt mới sau khi Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad chính thức bị loại khỏi Liên đoàn Arab (AL) và đại diện cho quốc gia này tại đây là lực lượng đối lập Syria. Việc công khai ủng hộ và trao ghế thành viên cho phe đối lập Syria được xem là bước đi nguy hiểm, đẩy quốc gia Trung Đông tiếp tục lún sâu vào bạo lực và chia rẽ.

(VOV5) - Cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria lại có bước ngoặt mới sau khi Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad chính thức bị loại khỏi Liên đoàn Arab (AL) và đại diện cho quốc gia này tại đây là lực lượng đối lập Syria. Việc công khai ủng hộ và trao ghế thành viên cho phe đối lập Syria được xem là bước đi nguy hiểm, đẩy quốc gia Trung Đông tiếp tục lún sâu vào bạo lực và chia rẽ.

Một quyết định nguy hiểm - ảnh 1

Đại diện phe đối lập Syria phát biểu tại cuộc họp của Liên đoàn Arab. (Ảnh: ABC)

Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) thường niên tại Dohar, Qatar, ngày 26/3, các nhà lãnh đạo AL đã nhất trí thông qua Nghị quyết công nhận vai trò thành viên hợp pháp của Liên minh dân tộc Syria (SNC), đại diện cho Syria tại AL và trong các tổ chức thuộc khối này, cho đến khi tiến hành các cuộc bầu cử mở đường cho việc thành lập chính phủ. Nghị quyết của 15 nước thành viên AL phê chuẩn đã nhấn mạnh “quyền của mọi quốc gia thành viên được cung cấp tất cả các hình thức tự vệ, kể cả quân sự, để hỗ trợ cuộc kháng chiến của nhân dân Syria và quân đội Syria tự do". Cùng với đó, AL hối thúc các tổ chức khu vực và quốc tế công nhận SNC là đại diện hợp pháp và duy nhất của người dân Syria. Có thể thấy, đây là bước ngoặt nguy hiểm vì vô hình chung, AL đã cổ súy cho một giải pháp quân sự nhằm chấm dứt xung đột thay vì đàm phán hòa bình.

Ngay lập tức, quyết định này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Ngày 27/3, Nga lên tiếng chỉ trích quyết định của Liên đoàn Arập (AL) trao ghế thành viên bỏ trống của Syria cho Liên minh Dân tộc đối lập Syria, lên án đây là hành động "phi pháp và không thể bào chữa". Cùng ngày, Damacus cáo buộc AL đã hợp pháp hóa chủ nghĩa khủng bố với quyết định trao ghế đại diện của Syria tại tổ chức này cho SNC. Trước đó, theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do công ty YouGov tiến hành và công bố cho thấy, đa số người Mỹ và Anh phản đối ý tưởng cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy ở Syria cũng như khả năng đưa quân tới quốc gia Trung Đông này. Trong số hơn 1 nghìn người Mỹ được hỏi ý kiến qua mạng, có tới 45% phản đối ý tưởng vũ trang cho phe đối lập Syria, trong khi chỉ có 16% ủng hộ ý tưởng này. Tỷ lệ người Anh phản đối việc cung cấp vũ khí cho phiến quân ở Syria thậm chí còn cao hơn nhiều khi có tới 57% trong tổng số hơn 3.600 người được hỏi ý kiến không đồng ý so với 16% ủng hộ. Đây được coi là lời cảnh báo đối với Thủ tướng Anh David Cameron khi mà hồi tuần trước, ông cùng với Tổng thống Pháp François Hollande lên tiếng kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria, nhằm mở đường cho việc cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập ở nước này.

Rõ ràng, với quyết định của AL cũng như toan tính của các cường quốc phương Tây, dư luận lo ngại rằng, một kịch bản tương tự như ở Libya đang lặp lại tại Syria. Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi là điều không tránh khỏi trong tương lai gần. Nhưng cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra như thế nào là điều cần bàn trong bối cảnh hiện nay. Thực tế là không ai có thể tiên lượng được tình hình quốc gia Trung Đông này sẽ xoay vần như thế nào trong tương lai nếu như chính quyền Damacus hiện nay sụp đổ. Bởi trước đó, những mâu thuẫn giữa các phe phái trong lực lượng đối lập tại Syria đã hé lộ nhiều vấn đề. Cụ thể như ngày 23/3, tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), SNC đã bầu ông Ghassan Hitto làm Thủ tướng tạm quyền để nắm quyền kiểm soát các khu vực mà phiến quân đang chiếm giữ. Thế nhưng, điều này lại khiến các tổ chức phiến quân Syria không hài lòng vì ông G. Hitto là một công dân Mỹ sinh ra tại Syria và được nước ngoài hỗ trợ. Trong cuộc bỏ phiếu tại Istanbul, một số nhân vật nổi tiếng của phe đối lập Syria đã bỏ ra ngoài. Họ coi việc bầu bán này là một âm mưu của phương Tây nhằm thao túng cuộc bầu cử và dựng lên một tay sai của phương Tây. Thêm vào đó, trong khi vị thủ tướng tạm quyền này có kế hoạch sử dụng Quân đội Syria tự do để củng cố quyền lực của mình đã vấp phải sự chỉ trích của các lực lượng đối lập tại Syria. Họ cho rằng, thế là bất công khi "lãnh đạo" thì ung dung ở Thổ Nhĩ Kỳ còn "các anh em của họ" phải chịu đựng "mũi tên hòn đạn" tại Syria. Cùng với thời gian dường như SNC đang dần bị lu mờ. Điều duy nhất có thể cứu họ là khả năng quyên góp tiền và bảo đảm dòng vũ khí cho phiến quân ủng hộ mình tới cùng. Tuy nhiên, điều này đang tạo ra sự bất bình lớn giữa các phe phái của lực lượng phiến quân vì có những nhóm không nhận được gì từ số vũ khí này. Rõ ràng, đây là cái giá phải trả cho sự "hỗ trợ" sự nghiệp của phiến quân. Chính điều đó đã khiến cho giới phân tích lo ngại về tương lai của quốc gia Trung Đông này.

Trong khi đó, tình hình hiện tại của Syria vẫn bế tắc. Ngày 27/3, trong bức thư gửi tới hội nghị các nhà lãnh đạo nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Tổng thống Bashar Al-Assad đã đề nghị các nước BRICS cùng hợp tác ngăn chặn tình trạng bạo lực ở Syria và giúp đưa giải pháp chính trị đến thành công. Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon cảnh báo chính phủ các nước trên thế giới phải nhanh chóng hành động ngăn chặn nguy cơ Syria bị "hủy diệt hoàn toàn" trong bối cảnh cuộc nội chiến tại nước này đã bước sang năm thứ ba. Bởi tính đến nay, cuộc nội chiến ở quốc gia này đã để lại những tổn thất to lớn, với hơn 70.000 người chết, hơn 3 triệu người phải đi sơ tán, các thành phố, làng mạc bị tàn phá... Một thực tế đáng buồn cho việc lựa chọn cách thức dùng vũ khí thay cho đối thoại chính trị hòa bình. Thế nhưng, với diễn biến hiện nay, dư luận chưa hề thấy hé lên một hy vọng mong manh nào./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu