Một năm với những nỗ lực đẩy nhanh chính phủ điện tử

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Năm 2018 ghi nhận những bước đi mới của Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai Chính phủ điện tử.

Đó là biểu hiện của sự thay đổi trong nhận thức và hành động từ TW đến các bộ, ngành, địa phương. Điều này góp phần nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

So với năm 2017, năm 2018 việc triển khai chính phủ điện tử có thêm những bước tiến mạnh mẽ, được thực hiện ở nhiều cấp độ như ra mắt Ủy ban chính phủ điện tử do Thủ tướng đứng đầu, đẩy mạnh việc thực hiện các thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực qua internet tại các địa phương...

Một năm với những nỗ lực đẩy nhanh chính phủ điện tử - ảnh 1Thủ tướng chủ trì phiên họp đầu tiên của UBQG về Chính phủ điện tử ngày 20/8/2018. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Những động thái quyết liệt

Điểm nhấn đáng chú ý trong xây dựng Chính phủ điện tử năm 2018 là việc ra mắt Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng đứng đầu. Ủy ban có nhiệm vụ xây dựng chiến lược, chính sách, tạo môi trường pháp lý để thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, tạo thuận lợi cho việc triển khai cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng: "Chúng ta muốn thể hiện một tinh thần, một quyết tâm chính trị cao và quyết liệt tháo gỡ những vướng mắc để tiến tới xây dựng thành công Chính phủ điện tử ở Việt Nam, nâng hạng Chính phủ điện tử ở Việt Nam để phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tốt nhất."

Cũng trong năm 2018, việc thực hiện chính phủ điện tử có những thay đổi rất quan trọng, mang tính hệ thống hơn. Việt Nam đã có những hệ thống mang tính quốc gia, ví dụ như hệ thống hải quan, thuế, hệ thống về đăng ký doanh nghiệp và gần đây nhất là triển khai hệ thống văn bản điện tử trên toàn quốc kết nối toàn bộ các  tỉnh, thành và 26/30 bộ, ngành. Kể từ tháng 5 vừa qua, Văn phòng chính phủ bắt đầu thực hiện văn phòng không giấy tờ. Theo đó chữ ký số và toàn bộ hồ sơ, tài liệu đã được xử lý trên môi trường mạng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng nhận xét: "Thời gian qua, chúng ta đạt được 1 số giải pháp về xây dựng chính phủ điện tử, đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý doanh nghiệp, về bảo hiểm xã hội và cung cấp được dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, cấp độ 3 như đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế|"

Hiệu quả

Hiện Việt Nam có rất nhiều dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và cấp độ 4 (các giao dịch được thực hiện trên mạng, trả kết quả được thực hiện trực tuyến) đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả. Nhiều dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương được người dân, doanh nghiệp sử dụng với số lượng hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết rất lớn như Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, TP.Hà Nội...

Điều này mang lại lợi ích to lớn cho người dân và doanh nghiệp. Ông Phan Thanh Sơn, tập đoàn FPT, đánh giá: "Về cơ bản là tốt hơn. Người dân không phải đến trực tiếp nên đã giảm thiểu các chi phí xã hội, nhất là đăng ký kinh đoanh đã giảm thiểu rất nhiều hay thời gian nộp thuế, thời gian thông quan của hải quan. Những điều này tạo các điều kiện phát triển  môi trường kinh doanh."

Một năm với những nỗ lực đẩy nhanh chính phủ điện tử - ảnh 2

Với những nỗ lực trong xây dựng chính phủ điện tử, năm 2018, Việt Nam được Liên hợp quốc xếp vào nhóm có chỉ số Dịch vụ công trực tuyến OSI (Online Services Index) và Chỉ số tham gia điện tử (E-Participation Index) ở mức cao. Nhờ đó, năm 2018, Việt Nam đã tăng 1 bậc về chính phủ điện tử so với cuộc khảo sát của LHQ năm 2016 (88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ). Trong nhóm các nước khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 6 sau Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Brunei.

Triển khai Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu. Những nỗ lực xây dựng chính phủ điện tử trong năm 2018 là những bước đi cần thiết để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu nằm trong nhóm 4 quốc gia đứng đầu ASEAN về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu