Monsanto phải có trách nhiệm giải quyết hậu quả môi trường ở Việt Nam

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Sau 6 tháng điều tra và 2 ngày xét xử, ngày 18/4, Tòa án quốc tế về Monsanto tại La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết, kết án tập đoàn Monsanto về tội hủy diệt môi trường, gây tác hại lâu dài tới hệ sinh thái và cuộc sống của người dân nhiều nước, trong đó có Việt Nam. 

(VOV5) - Sau 6 tháng điều tra và 2 ngày xét xử, ngày 18/4, Tòa án quốc tế về Monsanto tại La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết, kết án tập đoàn Monsanto về tội hủy diệt môi trường, gây tác hại lâu dài tới hệ sinh thái và cuộc sống của người dân nhiều nước, trong đó có Việt Nam.


Phán quyết của phiên tòa công dân này là bước cơ sở nhằm thúc đẩy Monsanto thực thi pháp luật, có trách nhiệm giải quyết hậu quả việc cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam. 

Monsanto phải có trách nhiệm giải quyết hậu quả môi trường ở Việt Nam - ảnh 1
Ảnh minh họa: AP


Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất và gây hậu quả nặng nề nhất cho con người và môi trường Việt Nam.Theo đó, từ năm 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã phun rải gần 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất độc da cam, chứa 366 kg dioxin xuống miền Nam Việt Nam. Khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, gần 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, hàng trăm nghìn người đã chết, những người còn sống vật lộn di chứng chất độc da cam, hàng vạn người bị tước đi quyền làm cha, làm mẹ. Việc khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam gồm nhiều vấn đề lớn: đánh giá, bổ sung hiện trạng tồn lưu dioxin và tìm kiếm công nghệ thích hợp để xử lý ô nhiễm, hạn chế tối đa số người bị phơi nhiễm mới và di chứng sang các thế hệ… đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam và giúp sức của cộng đồng quốc tế.


Nhân dân Việt Nam nỗ lực đòi công lý


Sau hơn 4 thập kỷ kể từ khi chiến tranh kết thúc, nhân dân Việt Nam vẫn đang kêu gọi thế giới đoàn kết đấu tranh với các tổ chức, cá nhân của Hoa kỳ, yêu cầu  giải quyết hậu quả nặng nề của chất độc da cam/ dioxin mà Việt Nam đang phải gánh chịu. Ngày 30/1/2004, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã đệ đơn lên tòa án quận Brooklin, thành phố New York, kiện 37 công ty hóa chất Mỹ, trong đó có Monsanto, vì sản xuất và cung cấp hóa chất độc hại cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Quyết định phi lý, bất công của các toàn án Mỹ từ chối vụ kiện làm dấy lên làn sóng phản đối Mỹ ở nhiều nước trên thế giới, kể cả ở Mỹ. Ngày 16-17/5/2009, Tòa án Lương tâm nhân dân quốc tế tổ chức tại Paris (Pháp) ra phán quyết, khẳng định Chính phủ Mỹ là thủ phạm sử dụng chất dioxin, mà hậu quả của nó đối với môi trường Việt Nam có thể coi là “diệt chủng môi trường”; các công ty hóa chất Mỹ là tòng phạm trong các hành động của Chính phủ Mỹ. Tòa án yêu cầu Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất cung cấp chất độc da cam phải bồi thường toàn bộ cho các nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ; phải có trách nhiệm làm sạch môi trường, tẩy sạch chất độc da cam khỏi các vùng đất và nước bị nhiễm độc ở Việt Nam...


Các vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tuy chưa đạt kết quả như mong muốn, nhưng bước đầu đã có tác động tích cực đến thái độ và hành động của ngành lập pháp và ngành hành pháp Mỹ. Tháng 11-2006, Việt Nam và Hoa Kỳ ra Tuyên bố chung, khẳng định: “Hai bên nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề nhiễm độc môi trường gần các kho chứa chất độc dioxin trước đây sẽ góp phần đáng kể vào việc tiếp tục phát triển quan hệ hai nước”. Sau đó, Quỹ Ford, Quỹ Bill & Melinda Gates... của Mỹ đã tài trợ một số dự án, như: xây dựng các công trình chống lan tỏa tạm thời tại sân bay Đà Nẵng; xây dựng phòng thí nghiệm dioxin; nghiên cứu các công nghệ sinh học tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng; lượng giá toàn diện ô nhiễm, phơi nhiễm và đề xuất biện pháp giảm thiểu từ 2010 đến 2012... Các năm 2007, 2009, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua khoản viện trợ 3 triệu USD/năm; năm 2010 là 15 triệu USD cho việc khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam. Năm 2011, Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ 34 triệu USD cho Việt Nam tẩy độc sân bay Đà Nẵng. Song, những đóng góp đó còn quá nhỏ so với hậu quả vô cùng to lớn mà họ đã gây ra đối với nhân dân Việt Nam.


Monsanto cần có trách nhiệm giải quyết hậu quả tại Việt Nam


Trước những hậu quả nặng nề của chất độc da cam/dioxin với sức khỏe con người và môi trường Việt Nam, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam mới đây khẳng định: “Tất cả những nỗ lực của bất kì ai dù là bằng tinh thần, tri thức, vật chất, dù chỉ là một xu, như một xu của người dân Mỹ góp phần vào dự án xử lý đất của sân bay Đà Nẵng, hay một xu của những người giúp nạn nhân da cam/dioxin thuốc men, quần áo…đều là vô giá”. Do đó, Việt Nam hoan nghênh việc Toà án quốc tế về Monsanto kết luận Monsanto huỷ hoại môi trường Việt Nam và đề nghị Monsanto tôn trọng kiến nghị tham vấn của Toà án, sớm có những hành động thiết thực góp phần giải quyết hậu quả do chất độc da cam/dioxin đối với môi trường Việt Nam.


Dù Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Mỹ đã có những bước đi tích cực, hỗ trợ giải quyết hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, trong đó có ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin, song các công ty Mỹ, như Monsanto, từng cung cấp da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, cũng cần có trách nhiệm giúp hỗ trợ khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu