Mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến đóng góp vào văn kiện Đại hội Đảng

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Đó chính là sự tập trung trí tuệ trong xây dựng đường lối phát triển đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mở rộng dân chủ, lắng nghe những ý kiến đóng góp tâm huyết của nhân dân là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tại thời điểm này, dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đang được lấy ý kiến ở cơ sở và sẽ lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Việc lắng nghe những ý kiến đóng góp thể hiện sự phát huy dân chủ trong đời sống xã hội, là những nỗ lực trong công cuộc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là nhận thức nhất quán về chủ nghĩa xã hội và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa thông qua các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.       Đảng cũng xác định tổ chức lấy ý kiến xây dựng dự thảo các văn kiện là công việc rất hệ trọng, mang tính quyết định đến tương lai phát triển của đất nước; phát huy dân chủ, huy động sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân. Bởi, “thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”.

Mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến đóng góp vào văn kiện Đại hội Đảng - ảnh 1Tranh cổ động tuyên truyền Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 (nguồn: baonghean.vn

Mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến của nhân dân là chỉ đạo xuyên suốt

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ lãnh đạo phải luôn lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân. Từ Đại hội VII (năm 1991) đến Đại hội XII (năm 2016), đặc biệt trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011), Đảng dần hoàn thiện và tập trung vào chiến lược phát huy dân chủ trong đời sống xã hội, đồng thời quyết tâm thực hiện dân chủ trong các hoạt động xã hội.

Trên thực tế, trước mỗi kỳ đại hội đảng, mỗi lần sửa đổi Hiến pháp, ban hành các đạo luật hay trước những vấn đề hệ trọng của đất nước..., Đảng và Nhà nước đều lấy ý kiến thảo luận, đóng góp của toàn dân. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức hàng trăm hội nghị, hội thảo, tọa đàm... nhằm tạo điều kiện để người dân có cơ hội bày tỏ quan điểm. Đối với Đại hội Đảng toàn quốc, việc thảo luận trong các tổ chức đảng từ trung ương đến các địa phương và lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân là một quy trình bắt buộc trong quá trình xây dựng văn kiện cho Đại hội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh việc phát huy dân chủ, lắng nghe, trân trọng các ý kiến đóng góp của nhân dân, nhất là của các chuyên gia, nhà khoa học có kiến thức chuyên sâu về từng lĩnh vực...để nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Trên tinh thần đó, trong dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân có thể thảo luận đánh giá những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân dẫn đến những thành quả trong 5 năm thực hiện Nghị quyết đại hội XII, 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và 35 năm công cuộc Đổi mới; các vấn đề về tầm nhìn, định hướng phát triển trong 5 năm, 10 năm tới và hướng đến năm 2045 - 100 năm thành lập nước. Tiếp đó là các vấn đề về nhiệm vụ, giải pháp phát triển các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

 Vai trò quan trọng của mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến nhân dân

Mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến của nhân dân tạo ra sự tương tác qua lại về quan điểm, tư duy của các lực lượng, thành phần trong xã hội trước những vấn đề thuộc chủ trương, chính sách, thể chế... có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của các thành viên trong xã hội. Thông qua việc lắng nghe, tiếp thu những ý kiến xác đáng, có cơ sở khoa học mà các chủ trương, chính sách, thể chế... của cộng đồng ngày càng phù hợp, đáp ứng tốt hơn với những đòi hỏi của thực tiễn.

Với việc góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần này, ý kiến của hàng triệu cán bộ, đảng viên, và các tầng lớp nhân dân sẽ góp phần xác định chính xác hơn, rõ ràng hơn các luận điểm cơ bản để làm phong phú, chặt chẽ hơn những nhận định, đánh giá về tình hình thực tế, đóng góp những ý tưởng, cách nghĩ, cách làm mới để hoàn thiện các nội dung, giải pháp phát triển đất nước trong từng lĩnh vực. Đó chính là sự tập trung trí tuệ trong xây dựng đường lối phát triển đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các ý kiến thảo luận khi bày tỏ quan điểm đồng ý với từng nội dung, vấn đề cũng có ý nghĩa như sự xác quyết, đồng tình của cán bộ, đảng viên, nhân dân với những nội dung đường lối trong các văn kiện chính là thể hiện tập trung của sự thống nhất ý chí trong toàn Đảng, toàn dân.

Có thể nói, một trong thành tựu quan trọng của đổi mới là nền dân chủ tiếp tục được khẳng định đóng vai trò là động lực của sự phát triển xã hội, đặc biệt thông qua hoạt động góp ý, xây dựng văn kiện đại hội Đảng lần thứ XIII này.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu