Mở ra chân trời hợp tác mới giữa Việt Nam và EU

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) -Có thể nói, việc ký EVFTA và EVIPA là một trong những thời khắc lịch sử quan trọng trong chặng đường 30 năm phát triển quan hệ Việt Nam-EU.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVIPA) vừa chính thức được ký ngày 30/6 tại thủ đô Hà Nội sau nhiều năm đàm phán. Sự kiện này đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU, trở thành mối quan hệ đối tác hợp tác bình đẳng, cùng có lợi.

Quan hệ Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã phát triển nhanh chóng sau gần 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 11/1990. Năm 2012, hai bên đã ký Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA), tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để mở rộng quan hệ Việt Nam-EU theo hướng đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện và lâu dài. Việc ký kết EVFTA và EVIPA ngày 30/6/2019 tạo động lực quan trọng, nâng tầm quan hệ Việt Nam – EU trong chặng đường phát triển quan hệ hai bên.

Mở ra chân trời hợp tác mới giữa Việt Nam và EU - ảnh 1

Đối tác sòng phẳng, hai bên cùng thắng

Là hiệp định có mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện, bao quát các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và các vấn đề phát triển bền vững, EVFTA và EVIPA sẽ mở ra những cơ hội to lớn để hai bên khai thác tối đa tiềm năng và sự bổ trợ cho nhau, đẩy mạnh trao đổi thương mại, đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững, từ đó góp phần làm sâu sắc và tạo đan xen lợi ích lâu dài giữa hai bên. Đặc biệt, với Việt Nam, theo nhiều nghiên cứu, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025.

Không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, việc EU lần đầu tiên ký kết FTA với một nước đang phát triển là Việt Nam, đồng thời là nước thứ 4 ở Châu Á, cho thấy EU đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam, hết sức coi trọng quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện song phương, đồng thời là kết quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan hai bên.

Đánh giá về ý nghĩa của việc ký kết EVFTA và EVIPA theo khía cạnh này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định: "Hiệp định thương mại tự do EVFTA, Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) được ký kết có thể nói là vị thế của Việt Nam được khẳng định rất mạnh mẽ trên trường quốc tế, như là một trong những quốc gia có đóng góp rất to lớn và có trách nhiệm trong sự phát triển của toàn cầu hóa, theo hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mạnh. EVFTA cũng như IPA tạo ra những nền tảng rất quan trọng, đưa quan hệ Việt Nam-EU lên một tầm cao mới, xứng đáng với tính chất quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên.

Về góc độ EU, theo đánh giá của EU, EVFTA là hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất mà EU từng thỏa thuận với một quốc gia đang phát triển. Việc ký kết Hiệp định khẳng định lợi ích chung của Việt Nam và EU trong việc cùng đóng góp thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế, tự do hóa thương mại và đầu tư bình đẳng, minh bạch và dựa trên luật lệ.

Cao ủy thương mại EU, bà Cecilia Malmström nhấn mạnh: "Những cam kết về đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong EVFTA và EVIPA sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút được nhiều đầu tư từ EU và các nước khác."

Quan trọng hơn, các hiệp định này cũng củng cố thêm sự quan tâm của EU với khu vực Đông Nam Á, khu vực có đóng góp vào việc tăng cường hợp tác giữa ASEAN và EU, hướng tới mục tiêu về một mối quan hệ thương mại và đầu tư gần gũi hơn giữa hai khu vực.

Nỗ lực vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội

Tuy nhiên, Việt Nam ở một trình độ phát triển thấp hơn, đặc biệt là quy mô và năng lực của doanh nghiệp phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì cũng có rất nhiều thách thức, các yêu cầu đặt ra để vừa thực thi có hiệu quả đối phó thách thức, vừa khai thác có hiệu quả những cơ hội mà EVFTA và EVIPA mang lại.

Lộ trình 10 năm cam kết loại bỏ thuế không chỉ giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, mà còn là khoảng thời gian đủ để các doanh nghiệp Việt Nam trưởng thành, thích ứng với hội nhập. Tâm thế đàm phán “lựa sức mình, hiểu đối phương” đã giúp Việt Nam thêm một lần nữa khẳng định trình độ và năng lực trong đàm phán kinh tế, ngoại giao, khẳng định vị thế của một đối tác tin cậy, đã nói là làm và có đủ năng lực để thực hiện.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: "Chúng tôi cho rằng, với kinh nghiệm thực tiễn của chúng ta trong thời gian qua, cũng như với chủ trương nhât quán của Việt Nam trong hội nhập quốc tế thì chắc chắn các chương trình hành động của chính phủ sắp tới sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận hiệp định một cách thuận lợi. Các cơ chế như xử lý tranh chấp thương mại được Chính phủ rất quan tâm và xây dựng trong các kế hoạch để hỗ trợ cũng như cùng với các doanh nghiệp để bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình."

Có thể nói, việc ký EVFTA và EVIPA là một trong những thời khắc lịch sử quan trọng trong chặng đường 30 năm phát triển quan hệ Việt Nam-EU. Dấu mốc mới chứa đựng những cơ hội hợp tác to lớn song cũng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực chung. Hiện, EVFTA và EVIPA sẽ sớm được Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu phê chuẩn để chính thức đi vào triển khai, góp phần quan trọng đưa quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU lên tầm cao mới, đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển của hai bên cũng như của hai khu vực Á – Âu và trên thế giới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu