Lửa xung đột bùng phát ở dải Gaza

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Tính đến 13/5/2021, hơn một nghìn người bị thương vong của cả hai phía, trong đó có gần 100 người chết, phần lớn là người Palestine, có cả phụ nữ và trẻ em.

Những ngày qua, dải Gaza chìm trong khói lửa bởi các cuộc không kích giữa Israel và phong trào Hamas, Palestine. Xung đột Israel - Palestine với diễn biến ngày càng khốc liệt khiến cộng đồng quốc tế lo ngại bùng nổ chiến tranh toàn diện, vượt tầm kiểm soát.

Lửa xung đột bùng phát ở dải Gaza - ảnh 1Tòa nhà cao tầng ở dải Gaza bị Israel tấn công ngày 12/5/2021. Ảnh: Reuters

Những ngày gần đây, xung đột giữa Israel và Palestine bùng nổ dữ dội. Đây là cuộc đụng độ quân sự dữ dội nhất giữa hai bên kể từ cuộc chiến năm 2014 ở dải Gaza.

Căng thẳng bùng phát dữ dội

Mồi lửa trực tiếp cho căng thẳng lần này là việc chính quyền Israel đuổi một số gia đình Palestine sinh sống đã lâu tại khu vực Sheikh Jarrah thuộc Đông Jerusalem. Tức giận trước hành động này, nhiều người Palestine tụ tập bên ngoài các tòa nhà người Do Thái vừa dọn vào. Đụng độ nổ ra và Hamas, tổ chức vũ trang của người Palestine ở Dải Gaza, không bỏ qua cơ hội củng cố sức ảnh hưởng. Trong các tuyên bố ngày 10/5, lực lượng này cam kết đứng về phía người dân Palestine bị lấy đất và thề sẽ biến một số thành phố của Israel thành "địa ngục", bao gồm cả Tel Aviv.

Đêm 7-8/5/2021, cảnh sát Israel đã mở một chiến dịch trên Núi Đền ở Đông Jerusalem để dẹp các cuộc biểu tình trong buổi cầu nguyện của người Hồi giáo Palestine. Các lực lượng an ninh Israel đã xông vào sân của nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa (thánh địa thứ ba của người Hồi giáo sau Mecca và Madina), sử dụng lựu đạn cay và đạn cao su bắn vào những người cầu nguyện, kể cả phụ nữ và trẻ em. Người Palestine dùng gạch, đá ném vào cảnh sát. Đáp lại các hành động của Israel, hơn một nghìn quả rocket đã được bắn ào ạt vào Israel, trong đó có thủ đô Tel Aviv và nhiều thành phố khác. Israel đã dùng máy bay, tên lửa tấn công đáp trả vào hơn 600 mục tiêu ở Dải Gaza. Các cuộc đọ súng này đã gây thiệt hại lớn về người và của cho cả hai phía.

Lửa xung đột bùng phát ở dải Gaza - ảnh 2Hệ thống Vòm Sắt của Israel đánh chặn rocket từ phía Dải Gaza nã vào nước này ngày 12/5/2021. Ảnh: Reuters

Chưa có thống kê đầy đủ, nhưng theo các nguồn tin của Israel và Palestine, tính đến 13/5/2021, hơn một nghìn người bị thương vong của cả hai phía, trong đó có gần 100 người chết, phần lớn là người Palestine, có cả phụ nữ và trẻ em.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp 3 phiên khẩn cấp để thảo luận tình hình. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres các nhà lãnh đạo thế giới lên án mạnh mẽ các vụ tấn công nhằm vào dân thường, đồng thời kêu gọi Israel và Palestine kiềm chế, tránh các bước có thể làm leo thang xung đột tại Đông Jerusalem và Dài Gaza. Các quốc gia cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác tìm ra một giải pháp toàn diện và bền vững trên cơ sở cùng tồn tại 2 nhà nước Israel và Palestine..

Nguyên nhân xung đột kéo dài

Lý do xung đột Israel-Palestine không mới, đã kéo dài nhiều thập kỷ và Jerusalem là một trong những vấn đề cốt lõi của cuộc xung đột. Cả Israel và Palestine đều tuyên bố Jerusalem là Thủ đô của mình. Tuy nhiên, toàn bộ thành phố hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Israel. Tình trạng pháp lý quốc tế của Jerusalem chưa được xác định rõ ràng. Sau cuộc chiến 6 ngày năm 1967, Israel đã chiếm đóng Đông Jerusalem (bao gồm khu thành cổ) và tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô của nước này, bất chấp sự phản đối của quốc tế khi đó. Hội đồng bảo an LHQ ra nghị quyết coi việc sáp nhập Jerusalem làm thủ đô của Israel là không hợp lệ và kể từ đó đã nhiều lần khẳng định lại lập trường này. Năm 1988, Nhà nước Palestine tuyên bố thành lập lấy Jerusalem làm Thủ đô. Hiệp ước hòa bình Oslo ký năm 1993 giữa Palestine và Israel quy định hai bên sẽ đàm phán và ký kết một thỏa thuận về quy chế của thành phố Jerusalem. 136/193 quốc gia thành viên LHQ công nhận nhà nước Palestine với thủ đô là Jerusalem.

Có thể nói, cuộc xung đột Israel-Palestine là cuộc xung đột kéo dài và phức tạp nhất trong lịch sử cận đại, với nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu, nhưng vẫn chưa có hồi kết. Việc chính quyền Israel đẩy người Palestine khỏi một số khu vực của Đông Jerusalem trong tuần qua diễn ra vào đúng tháng chay Ramadan của người Hồi giáo, càng làm trầm trọng mâu thuẫn. Biên giới giữa "hai nhà nước" trên dài Gaza này vẫn cách nhau một vực thẳm của xung đột chưa biết đến bao giờ dứt.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu