Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Tại kỳ họp này, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng với các văn kiện có liên quan với sự đồng thuận rất cao.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, bế mạc ngày 20/11 sau gần một tháng làm việc nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm. Là kỳ họp giữa nhiệm kỳ 2016-2020, đây là dịp nhìn lại chặng đường nửa nhiệm kỳ đã đi qua và định hướng cho các nhiệm vụ quan trọng của nửa chặng đường còn lại. Cùng với đó, kỳ họp lần này đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng hệ thống lập pháp và giải quyết nhiều vấn đề lớn mà cử tri, nhân dân quan tâm.

Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội - ảnh 1 Toàn cảnh phiên họp sáng 20/11

Kỳ họp Quốc hội lần này đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đó là việc bầu Chủ tịch nước, thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); lấy phiếu tín nhiệm các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn... Các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết nhằm giải quyết những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm.

Quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước

Chiều 23/10, với tỷ lệ phiếu tán thành là 99,79%, Quốc hội bầu Tổng Bí Thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 – 2021. Các đại biểu quốc hội, những người thay mặt cử tri bỏ lá phiếu bầu, nhận định: Quyết định bổ nhiệm chức danh Chủ tịch nước tại kỳ họp này là hoàn toàn đáp ứng đúng nguyện vọng của cử tri cả nước. Ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Tôi rất kỳ vọng Tổng Bí thư, Chủ  tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ phát huy được ưu thế của mình và cương quyết thực hiện hơn vai trò của mình. Làm sao cho để tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước ngày càng tốt hơn, kinh tế phát triển mạnh hơn, tệ nạn tham nhũng được đẩy lùi”.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng với các văn kiện có liên quan với sự đồng thuận rất cao. Việc phê chuẩn hiệp định thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định: “Hiệp định này không thuần túy về mặt thương mại, là hiệp định toàn diện và tiến bộ,nó không chỉ bàn về thuế quan mà bàn luôn về đầu tư, sở hữu trí tuệ, về mua sắ m của Chính phủ, về lao động, về đầu tư vào thị trường dịch vụ. Tiến bộ ở chỗ nó quan tâm rất nhiều đến doanh nghiệp kể cả các doanh nghiệp  nhỏ và vừa, điều đó thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam , phù hợp với tinh thần của hiệp định CPTPP. Tôi nghĩ rằng cần cung cấp thông tin nhiều và rộng đến các doanh nghiệp để họ nhận thấy cơ hội và thách thức khi chúng ta ra nhập vào CPTPP”.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Đánh giá và hoạch định chính sách kinh tế xã hội của đất nước

Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp cuối năm 2018 cũng là kỳ họp có ý nghĩa sơ kết, đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, về ngân sách nhà nước. Quốc hội đã thông qua 9 Luật và 4 nghị quyết về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước; đồng thời đã phân tích, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, thách thức của nền kinh tế, đề xuất giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững. Theo ông Trần Chí Quảng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, những vấn đề được thảo luận tại kỳ họp sẽ là nền tảng và động lực để Việt Nam vượt qua những khó khăn thách thức phía trước, thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển trong giai đoạn tới: “Những thành quả về kinh tế-xã hội đã tạo niềm tin sâu sắc trong nhân dân cả nước. Nhân dân và cử tri cả nước đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung uơng trong thời gian qua. Bên cạnh những thành tựu đạt được, tôi cũng cũng cảm thấy còn nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra cho đất nước. Tôi đề nghị tiếp tục tháo gỡ nút thắt về thể chế, nguồn lực, cơ sở hạ tầng trong cơ cấu lại nền nông nghiệp”.

Luôn là nội dung đặc biệt, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 tiếp tục được các đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân cả nước đánh giá cao. Không giống các kỳ họp trước, tại kỳ họp lần này các đại biểu quốc hội có thể chất vấn bất cứ vị trưởng ngành nào, về bất kỳ vấn đề nào từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: “Tất cả các Bộ trưởng không chỉ trả lời cho qua bởi vì mỗi lời nói đều có sự giám sát, sẽ hỏi lại trong tương lai. Nên chắc chắn phải trả lời hết sức thận trọng, và thể hiện được quyết tâm của mình để làm sao triển khai được chính sách và làm sao để Bộ ngành của mình làm việc hiệu quả hơn. Chắc chắn nó có tác động lan tỏa và nó có tác động đánh thức quyết tâm để làm tốt hơn”.

Những kết quả, dấu ấn của Kỳ họp thứ 6 tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, không ngừng đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu