Khe cửa hẹp dẫn đến hòa bình

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- Chỉ còn ít ngày nữa, một hội nghị hòa bình quốc tế sẽ được tổ chức tại Geneva, Thụy Sỹ, theo sáng kiến của Nga và Mỹ, nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài ở Syria. Dù chưa diễn ra nhưng đã có quá nhiều dấu hiệu cho thấy kết quả của hội nghị này rất có thể sẽ không như những gì người ta chờ đợi, xét cả về phương diện đồng thuận quốc tế lẫn mâu thuẫn nội tại của quốc gia Trung Đông này.

(VOV5)- Chỉ còn ít ngày nữa, một hội nghị hòa bình quốc tế sẽ được tổ chức tại Geneva, Thụy Sỹ, theo sáng kiến của Nga và Mỹ, nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài ở Syria. Dù chưa diễn ra nhưng đã có quá nhiều dấu hiệu cho thấy kết quả của hội nghị này rất có thể sẽ không như những gì người ta chờ đợi, xét cả về phương diện đồng thuận quốc tế lẫn mâu thuẫn nội tại của quốc gia Trung Đông này.

Syria luôn là tâm điểm thu hút chú ý của dư luận trong suốt hơn 2 năm qua và cái tên Syria lại “nóng” hơn bao giờ hết trong những ngày gần đây. Mọi hy vọng của cộng đồng quốc tế dường như đang dồn vào Hội nghị Geneva sắp tới với kỳ vọng là sẽ tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu hơn 2 năm qua tại quốc gia này. Mục đích chính của hội nghị là tập hợp các đại diện của chính phủ và phe đối lập Syria cùng ngồi vào bàn đàm phán để đi đến một giải pháp toàn diện nhất, tránh gây thêm tổn hại cho dân thường. Các hoạt động ngoại giao con thoi đang diễn ra dồn dập hòng mở ra cánh cửa đối thoại, chấm dứt ngay lập tức tình trạng đổ máu và bạo lực dưới mọi hình thức, thế nhưng đáng tiếc là hội nghị đang có những tiên lượng xấu khi cả chính phủ Syria và lực lượng đối lập đều kiên quyết bảo vệ lập trường của mình. Trong khi đó, các cường quốc vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong cách tiếp cận về Syria.


Khe cửa hẹp dẫn đến hòa bình - ảnh 1
Người tị nạn Syria tại vùng biên giới với Jordan ngày 27/5/2013. Ảnh: AFP/TTXVN

Còn nhớ, cách đây 1 năm, tháng 6/2012, cũng tại Geneva, một hội nghị hòa bình quốc tế về Syria đã được tổ chức. Mục tiêu khi đó cũng không khác gì so với hội nghị chuẩn bị diễn ra lần này. Người ta cũng chứng kiến quyết tâm của tất cả các bên khi tham dự hội nghị với những tuyên bố và phát biểu hùng hồn, rằng phải quyết tìm ra giải pháp chấm dứt tình trạng đổ máu tại Syria. Thế nhưng, kết quả mà hội nghị này thu được lại chẳng đáng là bao. Ủng hộ việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp nhưng lại không có một thỏa thuận cụ thể nào về việc đó khiến 1 năm trôi qua, cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria vẫn dậm chân tại chỗ, nếu không muốn nói là thêm phần trầm trọng. 

Khe cửa hẹp dẫn đến hòa bình - ảnh 2
Những đại biểu chính đã tham dự Hội nghị quốc tế về Syria tại Geneva, Thụy Sĩ,  tháng 6/2012.

Trở lại hội nghị sắp diễn ra lần này, mặc dù cùng “dắt tay” nhau tham dự Hội nghị nhưng giữa 2 cường quốc Nga và Mỹ vẫn liên tục lời qua tiếng lại. Mỹ tiếp tục chỉ trích Nga cung cấp tên lửa cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi đó, Nga lại luôn nhấn mạnh rằng Iran, quốc gia hậu thuẫn chính cho Tổng thống Assad, phải tham dự Hội nghị lần này. Ngược lại, Pháp kiên quyết phản đối tham dự hội nghị nếu có sự tham dự của Tehran. Cùng đó, Nga, Trung Quốc và một số quốc gia khác kiên quyết ngăn chặn can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Syria. Nga hôm qua cũng lên tiếng chỉ trích một dự thảo nghị quyết do Mỹ hậu thuẫn lên án Chính phủ Syria trước thềm phiên thảo luận tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, cho rằng điều này sẽ làm phương hại những nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria.


Còn trên phương diện nội bộ Syria, lực lượng đối lập Syria mặc dù nhận lời tham dự Hội nghị do phải chịu áp lực từ Washington, nhưng phe này khẳng định bất cứ sáng kiến nào cũng cần phải dẫn đến việc Tổng thống Bashar al-Assad phải từ chức. Song, từ trước đến nay Tổng thống Assad luôn kiên quyết sẽ không từ chức trước bầu cử và các nước không có quyền can thiệp vào vấn đề chính trị của nước này. Thái độ trước sau như một của Tổng thống Syria Bashar al-Assad còn nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của tổ chức Hezbollah, vốn bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố. Lãnh đạo của tổ chức này, ông Hassan Nasrallah khẳng định sẽ dốc toàn lực ra để cứu chế độ của tổng thống Bashar al-Assad. Thêm vào đó, hiện có khoảng 3.000-4.000 chiến binh thuộc phong trào vũ trang của người Hồi giáo Shi'ite ở Lebanon đang chiến đấu bên cạnh các binh sĩ của chế độ ở Syria. Trong khi đó, trong một động thái hết sức nguy hiểm, Liên minh Châu Âu hôm 27/5 đã thông qua nghị quyết dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với phe đối lập Syria, qua đó gửi một thông điệp mạnh mẽ đến chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad rằng ông Assad sẽ chẳng có lựa chọn nào khác là phải từ bỏ quyền lực của mình. Trong bối cảnh mỗi thành phần tham dự với một tâm thái bất đồng như vậy sẽ không có gì bảo đảm cho một hội nghị thành công.



Khe cửa hẹp dẫn đến hòa bình - ảnh 3
Lực lượng đối lập Syria tổ chức họp báo ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) công bố yêu cầu của mình để tham gia hội nghị hòa bình ở Geneva. Ảnh: Reuters.

Phản ứng của các bên liên quan đối với tình hình Syria hiện tại là những dấu hiệu thực tế cho thấy, cuộc khủng hoảng này khác hoàn toàn với những cuộc xung đột khác vì Syria đã trở thành tâm điểm cho sự can thiệp rộng rãi của các cường quốc thế giới và khu vực. Syria với vị trí địa lý và tầm ảnh hưởng quốc gia đang ngày càng rối ren và có thể sẽ đóng vai trò quan trọng thay đổi toàn bộ khu vực Trung Đông sau hội nghị quốc tế lần này. Chừng nào có được sự chung sức của tất cả các bên ở Syria và sự đồng lòng của cả cộng đồng quốc tế, chừng đó mới có hy vọng cho hòa bình ở quốc gia Trung Đông này. Nhưng điều này xem ra khó có thể thực hiện được trong bối cảnh hiện nay./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu