Khẳng định giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại mới

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam luôn gắn liền với tư tưởng, tấm gương đạo đức vĩ đại của Hồ Chủ tịch. Sự nghiệp và tư tưởng của Người mãi tỏa sáng trong hành trình phát triển của nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ. Những giá trị tư tưởng của Chủ tịch HCM đã và đang tiếp tục được khẳng định và lan tỏa trong thời đại mới.

Khẳng định giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại mới - ảnh 1 Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân. Ảnh tư liệu

Điểm nổi bật nhất trong Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là tư tưởng, văn hóa vì hòa bình, nhân văn, nhân ái và thúc đẩy tình hữu nghị giữa các dân tộc. Tư tưởng này của Chủ tịch HCM thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc và khát vọng của Người về một thế giới hòa bình, bình đẳng và hạnh phúc. Mặc dù tình hình trong nước và thế giới có những thay đổi nhanh chóng và sâu sắc, nhưng tư tưởng này vẫn còn nguyên giá trị, luôn phù hợp với đặc điểm của cách mạng Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Năm châu bốn biển đều là anh em

Hơn 70 năm trước, tháng 9/1949, khi trả lời nhà báo Mỹ Elie Massie, làm việc cho hãng International News Service về chính sách đối ngoại của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Việt Nam làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai. Trước đó, vào năm 1946, Người cũng đã đề cập đến chính sách mở cửa, hợp tác với bên ngoài như: “Hoa-Việt thân thiện” hay “Hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”.

Khẳng định giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại mới - ảnh 2Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân. Ảnh tư liệu 

Năm 1923, tức là gần 100 năm trước, khi Người còn là một chàng thanh niên đi tìm đường cứu nước, nhà báo, nhà thơ Liên Xô Osip Emilyevich Mandelstam khi đề cập đến Hồ Chí Minh đã viết: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa phương Đông hay phương Tây, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai… Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi như thấy được ngày mai, như thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”.

Có thể thấy, tư tưởng về đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, hòa hiếu với các nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi trước thời đại và cho đến ngày nay vẫn có giá trị lớn lao.

PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, khẳng định: "Tư tưởng hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc, coi “Năm châu bốn biển đều là anh em” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đề cập hơn 70 năm trước cho đến nay vẫn có giá trị và ý nghĩa đặc biệt, khi thế giới vẫn phải chứng kiến nhiều bất hòa, căng thẳng, xung đột và nhiều vấn đề quan trọng cần có sự chung tay giải quyết của tất cả các quốc gia."

Tiếp tục lan tỏa các giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh

32 năm trước (tháng 11/1987), Đại hội đồng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách “anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất”. Nghị quyết ghi nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kiệt xuất đã có dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại; kêu gọi các quốc gia cùng tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động tưởng niệm khác nhau.

Khẳng định giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại mới - ảnh 3 Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, Đảng Lao động Việt Nam ngày 5/9/1960

Với Việt Nam, đây là một vinh dự và niềm tự hào. Trên thực tế, những năm qua, việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả tích cực và được triển khai ở khắp 5 châu lục, góp phần quảng bá đến bạn bè quốc tế một cách chân thực, sống động và thuyết phục về lịch sử hào hùng, văn hóa, độc đáo, đất nước, con người Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình, tôn trọng các dân tộc khác và trách nhiệm với công việc chung của thế giới.

PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc cho rằng: "Thông qua những hoạt động này các nhà lãnh đạo, giới nghiên cứu, chính khách và người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới đã hiểu sâu sắc hơn thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như đất nước và con người Việt Nam. Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có nghĩa là tôn vinh dân tộc, giới thiệu dân tộc Việt Nam ra thế giới."

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế sâu rộng, những giá trị to lớn về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lan tỏa rộng rãi, vừa để củng cố và phát huy niềm tự hào dân tộc, vừa để thế giới ngày càng biết đến nhiều hơn hình ảnh đất nước Việt Nam với lịch sử hào hùng, nền văn hóa đậm đà bản sắc, yêu chuộng hòa bình. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu