Hướng tới xây dựng một Chính phủ năng động, tinh gọn, hiệu quả

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5)- Việc xây dựng Luật tổ chức Chính phủ( sửa đổi )nhằm tạo cơ sở pháp lý để xây dựng một Chính phủ mạnh, thích ứng với sự phát triển của đất nước.
(VOV5)- Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) lần đầu tiên được trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Đây là một trong số các luật cần phải triển khai xây dựng sau khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực thi hành. Việc xây dựng Luật tổ chức Chính phủ( sửa đổi )nhằm tạo cơ sở pháp lý để xây dựng một Chính phủ mạnh, thích ứng với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cũng như xây dựng nền hành chính hiện đại.

Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) bổ sung một số nguyên tắc để phù hợp với chức năng là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội. Luật cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc dự báo, đề xuất, xây dựng chính sách, quyết định cơ chế, chính sách có tầm chiến lược, vĩ mô trong quản trị quốc gia. Dự án Luật cũng đặt Chính phủ trong cơ chế kiểm soát chặt chẽ của nhân dân, đề cao trách nhiệm trước nhân dân.

Bảo đảm tính chủ động, sáng tạo của Chính phủ trong điều hành
Theo Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình, một trong những mục tiêu của việc xây dựng dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) là nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tính chủ động, sáng tạo, năng động, linh hoạt để giải quyết kịp thời các vấn đề của thực tiễn cuộc sống, phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Dự án Luật cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ theo các lĩnh vực quản lý Nhà nước, khẳng định vai trò hoạch định chính sách của Chính phủ, vai trò quản lý, điều hành vĩ mô của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất. Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Phan Trung Lý cho rằng:  Trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, Chính phủ, với tư cách cơ quan thực hiện quyền hành pháp cần phải làm tốt chức năng xây dựng chính sách, khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để phát huy năng lực và sức sáng tạo của nhân dân; xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Hướng tới xây dựng một Chính phủ năng động, tinh gọn, hiệu quả   - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 10 (ngày 28/10/2014). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đề cao trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng, các Bộ trưởng
Một nền hành pháp mạnh, thông suốt là phải thể hiện rõ trách nhiệm cá nhân. Do đó, dự thảo Luật Chính phủ (sửa đổi) quy định chi tiết và đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ theo Hiến pháp năm 2013 và cụ thể hóa một số nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ tướng nhằm xác định rõ vai trò của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, chủ động lãnh đạo Chính phủ khởi xướng, hoạch định kịp thời cơ chế, chính sách, đề xuất xây dựng thể chế pháp luật, quyết định và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước theo thẩm quyền, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính.

Với các sửa đổi, bổ sung này, vị thế và vai trò của Thủ tướng được nâng cao. Ngoài ra, nhằm đề cao trách nhiệm của Thủ tướng, việc tăng cường chế độ báo cáo của Thủ tướng trước nhân dân cũng là nhiệm vụ quan trọng và cần được đề cập cụ thể hơn trong dự án Luật. Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Phan Trung Lý cho rằng:Trách nhiệm báo cáo trước nhân dân là trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ đã được Hiến định. Do đó, dự án Luật cần quy định rõ những trường hợp nào thì Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho người phát ngôn của Chính phủ. Còn lại, Thủ tướng Chính phủ vẫn có nghĩa vụ thường xuyên thông báo trước nhân dân, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về nhiệm vụ của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, dự án Luật quy định phải chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công. Việc này nhằm tạo cơ sở cho đổi mới phương thức hoạt động của Chính phủ theo hướng bảo đảm giải quyết các vấn đề đặt ra ngay trong từng lĩnh vực, tránh đùn đẩy trách nhiệm và đẩy trách nhiệm giải quyết lên Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, tạo động lực mới cho hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành trước những yêu cầu và thách thức đặt ra trong giai đoạn phát triển của đất nước. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết:  Dự thảo Luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Bao gồm: quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên Chính phủ phải chủ động tham gia có hiệu quả vào hoạt động của tập thể Chính phủ; chịu trách nhiệm trước tập thể Chính phủ về các nhiệm vụ được phân công với tư cách là người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước.

Một chính phủ mạnh trước hết phải bắt nguồn từ một nền tảng pháp lý rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn. Việc những tồn tại, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo Luật hiện hành được sửa đổi sẽ giúp Chính phủ đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động, giải quyết kịp thời các vấn đề mà cuộc sống đặt ra./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu