Hợp tác quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong – Lan Thương lần thứ nhất vừa diễn ra tại Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc với sự tham dự của Lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. 

(VOV5)- Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong – Lan Thương lần thứ nhất vừa diễn ra tại Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc với sự tham dự của Lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về thiếu hụt nguồn nước, Hội nghị là dịp để Việt Nam đưa ra những đề xuất, kêu gọi sự hợp tác hiệu quả trong quản lý và điều tiết nguồn tài nguyên nước từ các quốc gia láng giềng.


Đây là lần đầu tiên cả 6 nước nằm dọc sông Mekong cùng dự họp cấp cao Hợp tác Mekong-Lan Thương. Với chủ đề “Cùng chung dòng sông, cùng chung tương lai“, Hội nghị đã khẳng định cam kết của 6 nước đối với hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại tiểu vùng Mekong, đồng thời đề ra các định hướng lớn cho hợp tác Mekong – Lan Thương. Theo đó, sáu nước sẽ cùng thúc đẩy hợp tác trên ba trụ cột là chính trị - an ninh, kinh tế và phát triển bền vững,  văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân. Các nguyên tắc cơ bản của hợp tác là đồng thuận, bình đẳng, phối hợp và tham vấn lẫn nhau, tự nguyện, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế. Trong thời gian tới, hợp tác Mekong – Lan Thương sẽ đặt trọng tâm vào 5 lĩnh vực ưu tiên là quản lý tài nguyên nước, kết nối, hợp tác năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế qua biên giới, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.

Hợp tác quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước - ảnh 1


Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của dòng sông Mekong đối với sự phát triển các nước ven sông và nhất trí tăng cường hợp tác giữa 6 nước trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong – Lan Thương. Hội nghị cho rằng các nước cần tăng cường phối hợp trong ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu và việc Trung Quốc tăng lượng xả nước ở thượng nguồn để hỗ trợ khắc phục hạn hán ở hạ nguồn là sự khởi đầu tốt đẹp của hợp tác. Hội nghị cũng ủng hộ đề xuất xây dựng Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong – Lan Thương nhằm thúc đẩy hợp tác giữa sáu nước trong chia sẻ thông tin và dữ liệu, nâng cao năng lực, quản lý lũ lụt và hạn hán, thực hiện các nghiên cứu chung về nguồn nước sông Mekong – Lan Thương.


Nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa của hợp tác Mekong-Lan Thương đối với sự phát triển, cũng như để góp phần thúc đẩy hợp tác Mekong-Lan Thương đi vào thực chất, Việt Nam đã đề xuất ba dự án và đã được các nước nhất trí đưa vào Danh sách dự án thu hoạch sớm để triển khai giai đoạn đầu của hợp tác Mekong-Lan Thương. Cả ba dự án này đều có lợi ích thiết thực, phù hợp với ưu tiên của hợp tác Mekong-Lan Thương, nhất là dự án tăng cường phối hợp quản lý lũ lụt, hạn hán trong lưu vực sông Mekong-Lan Thương và dự án hài hòa hóa tiêu chuẩn, thủ tục giữa các nước trong tiểu vùng. Việt Nam cũng sẵn sàng phối hợp với Trung Quốc và các nước tiểu vùng Mekong triển khai dự án chung về thành lập Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong-Lan Thương nhằm chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực về quản lý bền vững tài nguyên nước sông Mekong, trong đó có việc đóng góp tài chính và chuyên gia làm việc tại Trung tâm này.


Tiểu vùng Mekong đang đứng trước nhiều cơ hội để tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, nhưng cũng phải xử lý nhiều thách thức lớn cả về an ninh và phát triển, đặc biệt là suy thoái môi trường, nguồn nước, biến đổi khí hậu. Hợp tác Mekong-Lan Thương với những kết quả đạt được tại Hội nghị lần này hy vọng sẽ củng cố quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa sáu nước, thúc đẩy kết nối kinh tế trong tiểu vùng. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu