Hồi hương chiến binh IS: Vấn đề không đơn giản

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Rõ ràng, nguy cơ khủng bố ngay trong lòng châu Âu vẫn là thách thức lớn đối với các nhà lãnh đạo khu vực.

Ngày 14/11, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đợt hồi hương các tù nhân IS bị giam giữ ở đông bắc Syria về nước. Đây là đợt hồi hương các chiến binh IS lần thứ 2 của Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 3 ngày qua. Nhiều tù nhân trong số các tay súng này là người châu Âu. Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm hồi hương các chiến binh IS khiến nhiều quốc gia châu Âu quan ngại, đồng thời làm gia tăng căng thẳng giữa châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng châu Âu đang yêu cầu một tiêu chuẩn kép. Một mặt, yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải có trách nhiệm với người tỵ nạn Syria, bao gồm cả những tù nhân IS. Mặt khác, một số nước đã tước quốc tịch của những người này, chối bỏ trách nhiệm với họ. Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định đất nước họ không phải là khách sạn và sẽ làm tất cả để buộc các tù nhân IS phải hồi hương.

Hồi hương chiến binh IS: Vấn đề không đơn giản - ảnh 1Một chiến binh nước ngoài đầu quân cho IS tại Syria năm 2014. Ảnh: AFP 

Phản ứng dè dặt từ châu Âu

Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ cho hồi hương hơn 1.200 tay súng IS trong các nhà tù ở nước này và thêm 287 thành viên khác của IS đã bi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ trong chiến dịch gần đây ở Syria, bất kể các nước có nhận lại hay không. Tuy nhiên, trái với sự cương quyết của Thổ Nhĩ Kỳ, số nước châu Âu đồng ý tiếp nhận công dân của mình từng tham gia IS đến thời điểm này chỉ đếm được trên đầu ngón tay, là Pháp, Hà Lan, Đức và Ireland. Trước khi quyết định trục xuất, Ankara cáo buộc nhiều nước châu Âu quá chậm chạp trong việc tiếp nhận lại những công dân đã gia nhập hàng ngũ IS và chiến đấu ở Trung Đông.

Trước đó, đầu năm 2019, phản ứng trước lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc hồi hương các tay súng IS, Bộ trưởng Tư pháp Pháp Nicole Belloubet khẳng định Paris chưa có chính sách mới đối với việc hồi hương những công dân Pháp gia nhập IS ở Syria mà vẫn thực hiện hồi hương "từng trường hợp một". Anh thì thẳng thừng từ chối. London cho rằng những chiến binh nước ngoài của tổ chức IS nên được xét xử ở nơi các tội ác đã được thực hiện. Thụy Điển cũng chung quan điểm với Anh, trong khi Áo phân trần về những khó khăn thực tế trong việc hồi hương. Ở bình diện châu lục, Liên minh châu Âu cho biết chưa có quyết định nào ở cấp độ của EU về hồi hương chiến binh IS và vấn đề này thuộc thẩm quyền chính phủ của từng quốc gia thành viên.

Trước thực tế này, Tổng Thư ký  Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 12/11 kêu gọi có  một thỏa thuận quốc tế về số phận của các phần tử thánh chiến nước ngoài đang bị giam giữ ở Trung Đông, cho rằng Syria và Iraq không có trách nhiệm giải quyết vấn đề này thay cho các nước. Theo ông Antonio Guterres, vấn đề trên đòi hỏi phải có sự hợp tác và đoàn kết quốc tế, các bên không nên chỉ yêu cầu Iraq và Syria thay họ giải quyết.

Lý do quan ngại

Các quốc gia châu Âu từ trước đến nay đặc biệt quan tâm đến việc các tay súng IS có thể  bị trục xuất về nước. Nhiều nước châu Âu không mong muốn nhận lại các tay súng hay thân nhân của những người này, do lo ngại họ có thể gây ra mối đe dọa an ninh.

Những quan ngại trên là có cơ sở khi nhiều năm qua, châu Âu chứng kiến nhiều vụ tấn công khủng bố. Các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại khi trở về, những đối tượng này có thể đe dọa nền an ninh của “lục địa già”, nhất là trong bối cảnh những tài liệu về việc IS âm mưu thực hiện các vụ khủng bố trên khắp châu Âu vẫn được phát hiện. Các tài liệu đề cập chi tiết cách thức mà IS tiếp tục sử dụng để điều hành các mạng lưới quốc tế, vận chuyển thành viên qua biên giới, lên kế hoạch cướp ngân hàng, đâm xe, ám sát và tấn công mạng. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FBS) từng cảnh báo, mặc dù bị tổn thất nặng nề tại Syria và Iraq, các tổ chức khủng bố như IS, Al Qeada và những nhóm vũ trang có mối quan hệ với các nhóm này vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với châu Âu.

Rõ ràng, nguy cơ khủng bố ngay trong lòng châu Âu vẫn là thách thức lớn đối với các nhà lãnh đạo khu vực. Trong bối cảnh đó, việc hồi hương công dân từng gia nhập các tổ chức khủng bố tại nước ngoài tiếp tục gây quan ngại sâu sắc với châu Âu. Tuy nhiên, châu Âu cũng khó làm căng với Thổ Nhĩ Kỳ, bởi ngoài hơn 1 nghìn tù nhân IS, thì Thổ Nhĩ Kỳ hiện còn là nơi tá túc của hơn 3,6 triệu người tỵ nạn. Đây mới thực sự là mối lo ngại lớn nhất của châu Âu. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ từng nói rất rõ nếu EU muốn gọi chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở đông bắc Syria mang tên “Mùa xuân hòa bình” là một cuộc xâm lược thì Ankara sẽ mở toang cánh cửa để người tỵ nạn vào châu Âu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu