Hiện thực sinh động về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Việc đa dạng các hoạt động tôn giáo là minh chứng cho quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã và đang được bảo đảm. 

Lễ  Giáng sinh ngày 25/12 hằng năm là ngày lễ của những người theo Kito giáo như Công giáo, Tin lành nhưng từ lâu nó đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tâm linh, văn hóa và thực tế đã là dịp tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, thống nhất ý chí và nguyện vọng của mọi người dân Việt Nam. Chính vì thế, Lễ Giáng sinh thực sự mang thông điệp mạnh mẽ về sự tự do tín ngưỡng tôn giáo, bất chấp những luận điệu xuyên tạc của các phần tử cực đoan nhằm phủ nhận chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Hiện thực sinh động về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Tòa Giám mục Bà Rịa. Ảnh: VOV

Nhân dịp Giáng sinh năm 2021,Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm, chúc mừng Noel 2021 các chức sắc, giáo dân Công giáo tại tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu.Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng khi thấy giáo xứ khang trang, sạch đẹp đón Giáng sinh. Thủ tướng mong bà con giáo dân tiếp tục phát huy tinh thần “kính Chúa, yêu nước”, chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nỗ lực vươn lên để có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang xây dựng nền dân chủ XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN, nền kinh tế thị trường XHCN, Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và không tín ngưỡng tôn giáo. Nhà nước Việt Nam không đánh đổi, hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Nhân dịp lễ Giáng sinh và năm mới 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc đồng bào công giáo Bà Rịa-Vũng Tàu và đồng bào công giáo trong cả nước một mùa Giáng sinh an lành và có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Hiện thực sinh động về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam - ảnh 2Thủ tướng thăm và tặng quà giáo dân Giáo xứ Long Hương, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: VOV

Lễ Giáng sinh chỉ là 1 trong số 8 ngàn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo trong một năm của đồng bào các tôn giáo ở Việt Nam. Tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với 57.000 chức sắc, 157.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự. Thống kê có tới 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng. Thực tế không khí sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong các tầng lớp nhân dân những năm qua ngày càng sôi động và có chiều hướng gia tăng. Cứ nhìn vào các lễ hội tôn giáo, các buổi lễ trọng của các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian cũng có thể nhận rõ, những sinh hoạt này không chỉ là sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong các cộng đồng của đồng bào có đạo mà còn đang trở thành ngày hội thu hút đông đảo người dân tham gia. Ðiều đó cho thấy Ðảng và Nhà nước đã luôn tạo mọi điều kiện để nhân dân được tự do tham gia các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.

Việc đa dạng các hoạt động tôn giáo là minh chứng cho quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã và đang được bảo đảm. Không chỉ đối với đồng bào theo đạo Công giáo, quy mô và hoạt động tôn giáo của đồng bào theo các tôn giáo khác cũng ngày càng tăng và diễn ra sôi động, đời sống tâm linh của người dân luôn được chính quyền quan tâm.

Bên cạnh các sinh hoạt thường nhật, các ngày lễ trọng đại, lễ hội truyền thống của tôn giáo được tổ chức trang nghiêm thu hút đông đảo không chỉ tín đồ mà cả quần chúng nhân dân tham gia,  Nhà nước luôn tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo in ấn, phát hành kinh sách bằng nhiều ngôn ngữ và đồ dùng việc đạo. Phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng.

Các tổ chức tôn giáo thường xuyên duy trì tốt các hoạt động: đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, phong chức, phong phẩm và bổ nhiệm chức sắc, chức việc nhà tu hành tôn giáo tại các cơ sở đào tạo tôn giáo hiện đại. Nhiều cơ sở tôn giáo được chính quyền quan tâm cấp phép xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo khang trang, đáp ứng nhu cầu chính đáng về cơ sở thờ tự của tín đồ và tổ chức tôn giáo, góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Nhà nước và giáo hội.

Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu vào đời sống thế giới, hoạt động quốc tế của các tôn giáo Việt Nam  diễn ra đa dạng, phong phú, là kết quả của chính sách cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo hoạt động của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nhà nước tạo điều kiện để các tổ chức hội đoàn tôn giáo tổ chức các hội nghị, lễ hội tôn giáo quốc tế lớn tại Việt Nam, cũng như tham gia hiệu quả các cuộc Đối thoại nhân quyền (trong đó có vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo) với các đối tác; xây dựng và bảo vệ trước Liên hợp quốc “Báo cáo quốc gia theo cơ chế kiểm điểm định kỳ chu kỳ III” (UPR) và “Báo cáo thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị” (ICCPR); trả lời khuyến nghị của các cơ quan Liên hợp quốc về nhân quyền, trong đó có vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo.Quan hệ Việt Nam - Vatican tiếp tục được duy trì và có những bước tiến mới: nâng cấp quan hệ từ mức Đặc phái viên không thường trú lên mức Đặc phái viên thường trú; tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao, chuẩn bị tốt các vòng đàm phán và những hoạt động khác thúc đẩy quan hệ hai bên.

Đảng, Nhà nước Việt Nam chăm lo đời sống tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ cho đồng bào trong nước mà còn cho cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ban Tôn giáo Chính phủ đã thành lập nhiều đoàn hoặc kết hợp các chuyến công tác nước ngoài để gặp gỡ cộng đồng người Việt tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con, trao đổi với chính quyền sở tại đề nghị giúp đỡ cộng đồng người Việt được tự do sinh hoạt tôn giáo, tạo sự phấn khởi, thêm gắn bó với quê hương, đất nước. Hoạt động đối ngoại tôn giáo ở Việt Nam không chỉ thực hiện theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn được tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo nâng cao vai trò, vị thế trong hoạt động quốc tế, cũng như tạo điều kiện để các tổ chức nước ngoài có dịp tiếp cận với thực tế đời sống tôn giáo ở các vùng miền của Việt Nam, góp phần vào công tác bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân, tổ chức tôn giáo.

Những minh chứng trên cho thấy chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo và người dân Việt Nam không hề bị ngăn cản hay gây khó khăn trong việc thực hành tín ngưỡng, tôn giáo. Mùa Giáng sinh của đồng bào công giáo và hiện thực sinh động từ cuộc sống xã hội là thông điệp mạnh mẽ bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, bóp méo tình hình thực tế khách quan về tự do tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu