Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đưa Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững,

Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều biến động, khó lường. Trong tình hình đó, Chính phủ Việt Nam xác định phải tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng và phát huy nguồn nhân lực với những quan điểm. Đây cũng là những giá trị cốt lõi của các khuyến nghị được các chuyên gia trong nước và quốc tế nêu lên tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 diễn ra tại Hà Nội, hôm 21/09.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đưa Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, ra khỏi nhóm nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2030 và hiện thực hóa khát vọng trở thành một quốc gia thịnh vượng vào thời điểm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước (02/09/1945 – 02/09/2045).

Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng - ảnh 1Quang cảnh diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019. -Lê Phương/VOV5

Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập

Cải cách thể chế là một quá trình liên tục vì vậy Việt Nam không thể dừng lại quá trình cải cách thể chế nếu như không muốn bị lùi lại phía sau. Việc xây dựng và hoàn thiện kinh tế thị trường là nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa Việt Nam thoát khỏi nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, để bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình cao.

Theo Tiến sĩ Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù đã có những cải thiện nhưng thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ để bảo đảm thị trường vận hành thông suốt. Do đó, cần có những giải pháp để khắc phục: "Trước hết là phải hoàn tất quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Hai là, làm cho thị trường, nhất là thị trường có yếu tố sản xuất hoạt động đầy đủ, không méo mó, không sai lệch và trở thành yếu tố quyết định trong huy động và phân bổ nguồn lực xã hội. Ba là, Nhà nước tiếp tục chủ động giảm bớt và thay đổi vai trò và chức năng của mình, qua đó, làm thay đổi vai trò, chức năng của thị trường và quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Bốn là, Nhà nước cần tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, tiếp tục mở rộng và thực thi dân chủ, đảm bảo thực hiện đầy đủ và thực chất các quyền con người, quyền công dân; thiết lập cơ cấu quản trị quốc gia không có xung đột lợi ích, cân bằng giữa quyền lực và giám sát quyền lực, trách nhiệm giải trình đầy đủ trước người dân và doanh nghiệp."

Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo bao trùm được xem là có vai trò rất quan trọng để Việt Nam có thể có được tăng trưởng nhanh và bền vững và đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam hiện nay đang ở một bước ngoặt quan trọng, do đó, những quyết định của Chính phủ về quy mô và tốc độ đổi mới sáng tạo, cách thức làm sao để đổi mới sáng tạo mang lại lợi ích… sẽ có tác động tới việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, chi ra rằng: "Tại Việt Nam, chúng ta phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo bằng việc thúc đẩy việc lan tỏa công nghệ, dựa vào số lượng những doanh nghiệp áp dụng công nghệ, mức độ thâm nhập công nghệ, theo quy mô và độ sâu của sử dụng công nghệ ở các doanh nghiệp. Một điều cũng rất quan trọng đó là cả nam giới và nữ giới đều phải tham gia, và đặc biệt là những người bị tụt lại phía sau, những người dễ bị tổn thương… để làm sao có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo vì mọi người, phải nhắm tới sự tham gia của tất cả các chủ thể và phải lan tỏa những lợi ích của đổi mới sáng tạo. Chính phủ phải đóng vai trò then chốt để không phải chỉ đầu tư vào thể chế mà phải có một hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo bao giồm nghiên cứu và phát triển.      

 Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng

Kế thừa những kết quả đã đạt được của Đổi mới, Việt Nam ngày nay đang hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp, có mức thu nhập trung bình cao; có thể chế kinh tế đầy đủ theo các tiêu chauarn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có năng suất lao động và sức cạnh tranh cao, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững. Các mục tiêu này phản ánh khát vọng về một quốc gia có đời sống không ngừng cải thiện về điều kiện vật chất; một xã hội lành mạnh, dân chủ và công bằng, có trình độ văn hóa cao; một Nhà nước hiệu quả và có trách nhiệm giải trình.

Ông Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề cập 6 định hướng quan trọng để Việt Nam có thể trở thành quốc gia thịnh vượng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đó là: "Thứ nhất, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Định hướng thứ hai, là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế một cách thực chất để nhanh chóng định hình mô hình tăng trưởng kinh tế mới. Thứ ba, phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực chủ yếu của mô hình tăng trưởng kinh tế mới. Thứ tư, phát triển mạnh mạng lưới kết cấu hạ tầng và hệ thống đô thị. Thứ năm, là tập trung phát triển con người và văn hóa - xã hội. Và thứ sáu là bảo vệ tốt môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Những nhận định, đề xuất của các chuyên gia quốc tế và trong nước đưa ra tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và được xem là nguồn tham khảo quý giá, mang tính định hướng cao, qua đó, giúp Việt Nam tìm được những cách làm phù hợp cho Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho việc hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, trở thành nước công nghiệp, thuộc nhóm dẫn đầu các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu