Giữ vững độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế

Nguyên Nhung
Chia sẻ
(VOV5) -Hơn 30 năm đổi mới và hội nhập, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Trong quá trình phát triển đất nước và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, vấn đề giữ vững độc, lập tự chủ, đặc biệt là độc lập tự chủ về kinh tế đang đặt ra cho Việt Nam những thách thức mới. Vấn đề giải quyết, xử lý mối quan hệ giữa giữ vững độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế gắn liền với  sự chủ động, bản lĩnh và chọn lọc.

Hơn 30 năm đổi mới và hội nhập, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Từ một nước chậm phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước đang phát triển, đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả châu lục.

Giữ vững độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế  - ảnh 1Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay

Phát triển kinh tế để hội nhập tự chủ

 Dẫu vậy, nguy cơ lệ thuộc vào các nền kinh tế khác vẫn còn, khi đất nước Việt Nam có tới gần 80% dân số sản xuất nông nghiệp nhưng nhiều loại cây, con giống, giống lúa… còn phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Nông sản Việt Nam chủ yếu vẫn còn xuất thô, chưa điều tiết được giá trị, phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Công nghệ của Việt Nam cũng còn lạc hậu, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành chế tạo. Theo giáo sư, tiến sỹ Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị công an nhân dân, để giữ vững độc lập, tự chủ trong hội nhập cần phát triển một nền kinh tế mạnh: Trung tâm của vấn đề vẫn là điểm nghẽn về kinh tế trong quá trình hội nhập. Nếu lệ thuộc về kinh tế thì không có gì có được độc lập cả. Câu chuyện chúng ta đang rất băn khoăn bây giờ là làm sao tự chủ được về mặt kinh tế. Trong quan hệ hội nhập tất nhiên là tự chủ hoàn toàn thì đó là ước mơ hão huyền. Nền kinh tế thế giới là nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau, nhưng cái gì chúng ta không phụ thuộc thì chúng ta phải tạo thế làm chủ.”

Chủ động lựa chọn chính sách hội nhập

Việc Việt Nam ký kết, thực hiện hàng loạt những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra những nguy cơ mới, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, việc giữ gìn độc lập, tự chủ về kinh tế có mối quan hệ chặt chẽ với việc giữ gìn độc lập tự chủ về đường lối. Do vậy, chủ động trong hội nhập, chủ động trong lựa chọn chính sách hội nhập sẽ tránh được khả năng bị lệ thuộc. Chỉ có chủ động trong hội nhập mới có thể đón đầu, chuyển hóa được thách thức thành cơ hội và biến cơ hội thành sức mạnh thực tế để vun đắp nền độc lập, tự chủ của dân tộc:                 “Nguyên lý về xử lý mối quan hệ độc lập tự chủ vẫn đề cao sự tự quyết của chúng ta trong quá trình lựa chọn chính sách hội nhập. Trên thực tế sự lựa chọn này dường như đang ít đi. Sự lựa chọn này được định hình bởi các thế lực bên ngoài mà chúng ta khó cưỡng lại được. Xuất phát từ vấn đề cạnh tranh nước lớn nổi lên thì vấn đề chủ chốt trong cạnh tranh ở đây là cạnh tranh về luật chơi.”

  Tiếp nhận đầu tư có chọn lọc

 Các nhà nghiên cứu lưu ý việc thúc đẩy phát triển kinh tế, tiếp nhận đầu tư là một ưu điểm của hội nhập. Tuy nhiên, ngay cả việc tiếp nhận đầu tư cũng cần có chọn lọc, không thể đánh đổi bằng mọi giá. Theo giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Trọng Chuẩn, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, tình trạng tiếp nhận đầu tư không chọn lọc sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ: Khả năng hội nhập với quốc tế về các mặt khác trong đó có mở cửa thị trường, mở cửa đất nước. Hạ tiêu chuẩn để tiếp thu đầu tư nước ngoài là điều cực kỳ nguy hiểm. Còn nếu càng hạ tiêu chuẩn môi trường thì chi phí sau này để khắc phục cái đó còn lớn hơn cái chúng ta thu được. Chính sách của nhà nước là rất đúng, tức là tạo mọi điều kiện để thu hút đầu tư là đúng, nhưng phải thu hút đầu tư có chọn lọc.”

Trong bối cảnh đang hội nhập ngày càng mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam thực thi các nguyên tắc cơ bản là chủ động, bản lĩnh và chọn lọc để giữ được độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu