Giai đoạn mới trong chiến lược “tái cân bằng” về châu Á

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter đang có chuyến công du tới 2 quốc gia đồng minh quan trọng ở Châu Á là Nhật Bản là Hàn Quốc. Chuyến đi lần đầu tiên của ông A.Carter trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc được giới quan sát cho là nhằm tái khẳng định mối quan hệ quốc phòng với các đồng minh và cam kết “xoay trục” sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Barack Obama.
(VOV5)- Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter đang có chuyến công du tới 2 quốc gia đồng minh quan trọng ở Châu Á là Nhật Bản là Hàn Quốc. Chuyến đi lần đầu tiên của ông A.Carter trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc được giới quan sát cho là nhằm tái khẳng định mối quan hệ quốc phòng với các đồng minh và cam kết “xoay trục” sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Barack Obama.


Trong bối cảnh chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan nổi lên ở Iraq và Syria, Yemen sa vào chiến tranh dân sự, sự can thiệp của Nga trong xung đột ở miền Đông Ukraine, Mỹ nhận thức được rằng cần phải khẳng định lại vị trí của mình ở Châu Á – Thái Bình Dương. Chuyến thăm của ông A.Carter đến Nhật Bản và Hàn Quốc lần này cũng không nằm ngoài mục đích tập trung sự quan tâm về Châu Á. 


Ngay từ khi còn là Thứ trưởng quốc phòng vào năm 2011-2013, ông A.Cater đã ủng hộ mạnh mẽ việc Mỹ chuyển hướng nhiều hơn đến châu Á và đề cao sự quan trọng của châu Á đối với tương lai của Mỹ. Chính vì vậy trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên trước chuyến công du lần này, ông A.Carter nêu rõ những sự kiện thế giới nổi cộm năm 2014 sẽ không ngăn cản được ông tiếp tục chiến lược xoay trục sang châu Á và rằng Châu Á-Thái Bình Dương sẽ là khu vực định hình tương lai nước Mỹ. 


Giai đoạn mới trong chiến lược “tái cân bằng” về châu Á - ảnh 1
Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter (trái) và người đồng cấp Nhật Bản Gen Nakatani tại Tokyo, ngày 8/4. Ảnh: AFP

Tăng cường và hiện đại hóa mối quan hệ liên minh

Tại Nhật Bản, một trong những nội dung chính được hai bên thảo luận là những sửa đổi trong hướng dẫn hợp tác quốc phòng Mỹ- Nhật Bản, theo hướng trao cho  Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vai trò chủ động hơn trong vấn đề an ninh châu Á. Hướng dẫn phòng thủ chung được sửa đổi lần đầu tiên kể từ năm 1997, được cho là sẽ mở rộng phạm vi tương tác giữa hai nước đồng minh, phù hợp với nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm giảm bớt những hạn chế của hiến pháp Nhật Bản đối với chính sách quân sự của quốc gia. Bản Hướng dẫn hợp tác quốc phòng mới này sẽ được đưa ra tại cuộc hội đàm giữa của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ tổ chức tại Washington vào cuối tháng 4 này.


Còn tại Seoul, các quan chức cấp cao của Chính phủ Hàn Quốc sẽ nhận được một lời tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với an ninh của Hàn Quốc. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận cách giải quyết vấn đề CHDCND Triều Tiên, đồng thời gặp và thăm hỏi Bộ tư lệnh Thái Bình Dương ở Hawaii. Hội nghị an ninh Shangri-La mà ông A.Carter sẽ có mặt vào tháng 5 tới tại Singapore cũng là cơ hội để Mỹ gắn kết với Singapore và những đối tác khác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. 


Tạo thế cân bằng chiến lược của Mỹ

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang hoành hành ở Iraq và Syria. Yemen trượt dài trong cơn lốc nội chiến. Chương trình hạt nhân Iran làm nảy sinh mâu thuẫn Mỹ-Israel. Tình hình ở Ukraine khiến Washington và Moscow ngày càng xa nhau. Khủng hoảng đang leo thang ở Trung Đông, Châu Phi và Châu Âu đã khiến Nhà Trắng buộc phải nhìn nhận lại chiến lược an ninh của mình.


Trong bối cảnh quân Mỹ ở Iraq đã rút dần từ năm 2011, còn lực lượng ở Afghanistan sẽ rút hết trong năm nay, Mỹ đang tìm cách chuyển nguồn lực quân sự đến Châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Mỹ cũng có những khó khăn của riêng mình khi phải vật lộn với ngân sách quốc phòng giảm và sự gia tăng bạo lực ở Trung Đông và Bắc Phi, làm chậm những nỗ lực của nước này với các vấn đề Châu Á. Nhưng trước mối lo ngại ngày càng tăng đối với Trung Quốc và những thách thức an ninh trong khu vực, đã đến lúc Mỹ thấy không thể trì hoãn hơn nữa. Người đứng đầu Lầu Năm Góc trong chuyến công du này không giấu tham vọng về một lộ trình đưa 60% hạm đội Mỹ hiện diện ở Châu Á-Thái Bình Dương trong vòng 5-10 năm tới. Hải quân Mỹ sẽ được triển khai từ Philippines đến Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản và thậm chí cả Ấn Độ… Nhưng để thực hiện tham vọng này, Mỹ cần phải tìm chiếc chìa khóa giúp mở mọi cánh cửa trở ngại. Đầu tiên, đó là việc củng cố các mối quan hệ đồng minh lâu năm trong khu vực. Một trong những bước đi quan trọng đầu tiên là Mỹ sẽ đầu tư sản xuất vũ khí hiện đại nhất bao gồm cả máy bay tàng hình, ném bom tầm xa và các khí tài quân sự để đảm bảo an ninh khu vực. Thêm nữa, việc thông qua Hiệp định tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng quan trọng không kém để duy trì sức ảnh hưởng của Mỹ và sự ổn định của khu vực. Trong bối cảnh Trung Quốc đang giành được thế mạnh trong việc chiếm lĩnh thị trường kinh tế-tài chính và gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này khi có tới 35 quốc gia, gồm nhiều đồng minh chiến lược của Mỹ tuyên bố gia nhập Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do nước này khởi xướng, Mỹ rõ ràng không muốn chậm chân trong cuộc đua mở rộng các quan hệ đối tác thương mại. 


Với chuyến công du tới hai quốc gia đồng minh ở Châu Á lần này, có thể khẳng định chính quyền của Tổng thống B.Obama đang bắt đầu một giai đoạn mới trong chiến lược “tái cân bằng” về phía Châu Á-Thái Bình Dương. Việc thay đổi định hướng trong hợp tác quốc phòng giữa Nhà Trắng với các đối tác đồng minh, song song với việc thúc đẩy hợp tác thương mại, sẽ giúp Mỹ gắn kết hơn nữa với khu vực được dự đoán là có những sự kiện làm thay đổi an ninh thế giới trong tương lai./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu