Gấp rút hoàn thiện việc đưa EVFTA vào thực thi

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Việc hoàn thiện này sẽ giúp hai bên tận dụng kịp thời những ưu việt mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu mang lại.

Chiều 21/4, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã họp thẩm tra sơ bộ việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp để góp phần đưa EVFTA vào thực thi nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy trao đổi thương mại Việt Nam - EU.

Để thực hiện có hiệu quả, tận dụng được các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại, Bộ Công Thương xác định có 3 nhiệm vụ quan trọng phải hoàn thiện, đó là: công tác xây dựng pháp luật; xây dựng Chương trình hành động và tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định EVFTA.

Chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý

Phát biểu tại phiên họp thẩm tra sơ bộ chiều 21/4, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao quá trình Chính phủ chuẩn bị hồ sơ, tài liệu về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA và cho biết Ủy ban Đối ngoại sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngay tại Phiên họp thứ 44 đang diễn ra tại Hà Nội.

Trong khi đó, theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), ưu tiên hàng đầu hiện nay việc xây dựng pháp luật để bảo đảm có cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực thi Hiệp định EVFTA ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Do đó, việc xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành đang được nỗ lực hoàn thiện và có thể ban hành trước hoặc cùng với thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVFTA. Trong đó, đáng kể là Thông tư quy định về xuất xứ hàng hóa. Đây là điều chưa có tiền lệ.

Ông Lương Hoàng Thái, cho rằng: "Nội dung Hiệp định đã được công bố công khai nên doanh nghiệp cũng có thể làm quen trước. Nếu như có sự linh họat này thì hiệp định có thể đưa vào thực thi và có thể tận dụng được ngay lợi ích của Hiệp định. Bởi, nếu như Thông tư không có hiệu lực thì doanh nghiệp không thể xin được mẫu chứng nhận xuất xứ và như vậy thì cũng không thể được hưởng ưu đãi..."

Theo bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu Thông tư về xuất xứ hàng hóa của Việt Nam vào thị trường EU có hiệu lực cùng với thời điểm hiệp định EVFTA có hiệu lực thì đó là nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, bà Thu Trang cũng cho rằng, Thông tư quy định về quy tắc, xuất xứ hàng hóa từ EU vào Việt Nam cũng không kém phần quan trọng.

"Đối với rất nhiều doanh nghiệp thì đây cũng là một phần lợi ích cực kỳ lớn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị từ EU để làm đầu vào cho sản xuất ở Việt Nam..Những quy định pháp luật về việc có thể tiếp nhận những hàng hóa có xuất xứ của EU vào Việt Nam để nhanh chóng được hưởng lợi từ thuế ưu đã của Việt Nam cũng rất quan trọng. Câu chuyện thứ 2 là làm thế nào để doanh nghiệp có thể hiểu được các quy tắc xuất xứ đó để đáp ứng - mà như đã nói là những quy tắc rất chi tiết, rất phức tạp, rất khó.."

Tăng cường thông tin cho doanh nghiệp

Thông tin tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định EVFTA là 1 trong 3 nội dung trọng tâm của việc đưa Hiệp định này vào thực thi có hiệu quả. Nhằm phổ biến Hiệp định EVFTA tới doanh nghiệp và cán bộ quản lý, Bộ Công Thương đã thiết lập trang điện tử chuyên sâu về Hiệp định EVFTA tại địa chỉ evfta.moit.gov.vn. Đồng thời, tổ chức các hội thảo, khóa tập huấn chuyên sâu trải dài hầu khắp các tỉnh thành, tập trung tại các địa phương có các khu công nghiệp lớn, có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu.

Về xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA (còn gọi là Chương trình hành động), Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, cho biết: "Chương trình hành động của Chính phủ Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ban hành, có những nhiệm vụ trước mắt và dài hạn trong công tác rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện pháp luật để báo cáo với Quốc hội thông qua cũng như trong các hoạt động về điều hành của Chính phủ trong phát triển kinh tế, xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, trong việc tham gia vào các thị trường mới, việc xây dựng thị trường trong nước...Chương trình hành động này cũng là cơ sở để Liên minh châu Âu phối hợp với chúng ta để tổ chức thực thi và giám sát việc thực thi hiệp định này".

Ngày 30/03/2020, Hội đồng châu Âu đã phê duyệt Hiệp định EVFTA, hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của EU. Hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định. Vì vậy, việc các cơ quan chức năng của Việt Nam gấp rút hoàn thiện cơ sở pháp lý để Quốc hội thông qua, hoàn tất xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA… sẽ giúp hai bên tận dụng kịp thời những ưu việt mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu mang lại.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu