Dư luận thế giới đánh giá Việt Nam nỗ lực đóng góp thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Đây là lần thứ hai Việt Nam được đề cử tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 50 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) trong các ngày 13/6-8/7/2022 tại tại Geneva (Thụy Sĩ), đại diện các quốc gia đã ghi nhận các thông điệp, thành tựu và cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền, mong muốn Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò là thành viên tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong Hội đồng nhân quyền.

Cùng thời gian này, những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong vấn đề đảm bảo quyền con người được truyền thông châu Âu nhấn mạnh trong các bài viết về chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến châu Âu từ ngày 26-30/6/2022.

Dư luận thế giới đánh giá Việt Nam nỗ lực đóng góp thúc đẩy và bảo vệ quyền con người - ảnh 1Đoàn Việt Nam tham dự Khóa họp thường kỳ lần thứ 50 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc - Ảnh: TTXVN

Báo Times of Malta ngày 1/7 đăng bài viết về những “điểm cộng” giúp Việt Nam, đại diện duy nhất của ASEAN, tự tin ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025. Bài báo nêu rõ, việc ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 đã thể hiện mong muốn của Việt Nam được đóng góp vào nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Đây là lần thứ hai Việt Nam được đề cử tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ. Điều đó cho thấy đường lối, định hướng phát triển của Việt Nam là rất đúng đắn, thể hiện ở chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định các chính sách phát triển về quyền con người, đặc biệt đặt con người làm trung tâm.

Các trang BBC News (Anh) và The Diplomat (Mỹ) cùng có chung nhận định "Đảng Cộng sản Việt Nam đã hành động có trách nhiệm và đặt người dân lên trên hết". HiệnViệt Nam nằm trong danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng chỉ số phát triển con người (HDI) vào hàng cao nhất trên thế giới (tăng 45,8% từ năm 1990 đến năm 2019). Theo Báo cáo Chỉ số Hạnh phúc của LHQ năm 2020, Việt Nam đứng thứ 83 trong số 156 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 11 bậc so với năm 2019. Các trang này dẫn lời các chuyên gia LHQ cho rằng, những ưu tiên và nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng và phát triển quyền con người, thúc đẩy bình đẳng xã hội đã giúp Việt Nam đạt nhưng thành tựu nổi bật trên.

Trong khi đó, nhật báo Marx21 (Italy) có bài viết với tiêu đề “Tuyên bố của Việt Nam tại châu Âu về việc gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc”. Bài viết nhấn mạnh với việc lần thứ hai được đề cử tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam đang cho thấy đường lối đúng đắn trong các chính sách về phát triển quyền con người và điểm sáng của Việt Nam được quốc tế ghi nhận là thành tựu về xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam đã tham gia đầy đủ, có trách nhiệm vào các hoạt động và chương trình của hội đồng. Cũng tại diễn đàn này, Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định rõ thông điệp về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đóng góp nhiều sáng kiến nhằm giúp xử lý các vấn đề nhân quyền toàn cầu. Việc Việt Nam được các nước ASEAN nhất trí lựa chọn làm ứng cử viên của khu vực Đông Nam Á tham gia Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 thể hiện sự tin cậy và thống nhất cao của ASEAN đối với Việt Nam trên lĩnh vực này.

Dư luận thế giới đánh giá Việt Nam nỗ lực đóng góp thúc đẩy và bảo vệ quyền con người - ảnh 2Người đứng đầu Cao ủy nhân quyền của Liên hợp quốc (OHCHR), bà Michelle Bachelet - Ảnh: AFP/TTXVN

Việt Nam hiện đang ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 cùng nhiều cam kết, ưu tiên với thông điệp “Tôn trọng và Hiểu biết - Đối thoại và Hợp tác - Tất cả các Quyền con người cho Tất cả mọi người”. Tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 50 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) đang diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ, Đại diện Việt Nam đã thông báo các nỗ lực và thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam cũng như tất cả các nước trên thế giới đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch, đồng thời ứng phó với những vấn đề toàn cầu, đặc biệt là biến đổi khí hậu, và những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới gần đây. Các nỗ lực này đã được thể hiện trong Báo cáo giữa kỳ tự nguyện về việc thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III mới đây được Việt Nam trình Hội đồng Nhân quyền LHQ. Cao ủy Nhân quyền LHQ, bà Michelle Bachelet đánh giá cao các thành tựu kinh tế, xã hội, tạo nền tảng cho việc nâng cao đời sống, bảo đảm các quyền cho người dân Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là trong thời gian đại dịch Covid-19 và phục hồi sau dịch.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Federico Villegas cho rằng thông điệp của ứng cử của Việt Nam chính là tinh thần các nước cần theo đuổi khi tham gia Hội đồng Nhân quyền. Với sự đa dạng về điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa, tôn giáo, các nước cần có sự tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng các giá trị chung của nhân loại, trong đó có luật pháp quốc tế và quyền con người. Ông Villegas cho rằng với Hội đồng Nhân quyền, việc có những nước đã thể hiện và sẵn sàng làm cầu nối cho hợp tác và đối thoại như Việt Nam là rất cần thiết, trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến rất phức tạp, còn nhiều khác biệt giữa các nước và các nhóm nước.

Các Đại sứ, Trưởng Phái đoàn các nước tại Geneva đánh giá cao các phát biểu, hoạt động của Việt Nam tại Khóa họp 50 của Hội đồng Nhân quyền; bày tỏ ấn tượng với nét đẹp đất nước, con người, sự hòa hợp và đa dạng của các cộng đồng dân tộc, tôn giáo của Việt Nam, phản ánh nỗ lực và thành tựu mọi mặt trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm các quyền của người dân ở Việt Nam. Hoan nghênh thông điệp ứng cử của Việt Nam, các nước đề xuất Việt Nam cùng thúc đẩy đối thoại và hợp tác với các tổ chức khu vực tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, cũng như gắn kết Hội đồng Nhân quyền với các tổ chức chuyên môn của LHQ, nhất là trong các lĩnh vực y tế, lao động, môi trường, chuyển đổi số.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu