Đồng lòng hiện thực hóa mục tiêu phát triển

Vân Nga
Chia sẻ
(VOV5) - Dư luận đánh giá các thành viên Chính phủ mới là những người có quan điểm thực tế, tích cực hành động có thể đạt được những mục tiêu cụ thể.

Chính phủ Việt Nam vừa được kiện toàn sau khi Quốc hội khóa XIV phê chuẩn các thành viên kết hợp giữa kế thừa kinh nghiệm và sự đổi mới. Đây là sự cần thiết để lãnh đạo đất nước thực hiện mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ 21 trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đồng lòng hiện thực hóa mục tiêu phát triển  - ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu bầu Phó Chủ tịch nước, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: TTXVN

Những thành viên mới trong nội các của Chính phủ Việt Nam đều dày dạn kinh nghiệm công tác, từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng ở địa phương, hay các bộ ngành, để lại dấu ấn ở từng vị trí công tác.

Sẵn sàng bắt tay ngay vào công việc

Vinh dự, tự hào là những gì mà các tân Bộ trưởng bày tỏ khi được Quốc hội phê chuẩn giữ chức tư lệnh ngành. Họ đều chung nhận định nhậm chức trong bối cảnh đất nước đang tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đòi hỏi từng cá nhân phải tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng: "Trong nhiệm kỳ này, chúng tôi cho rằng, đầu tiên là phải vượt qua mọi khó khăn để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tăng sức chống chịu cùng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, giúp cho các doanh nghiệp phát triển và cải thiện đời sống của nhân dân, đồng thời tập trung để cải thiện nguồn thu, đặc biệt là nuôi dưỡng nguồn thu".

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra đường lối đối ngoại cụ thể: Kiên định, kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác phát triển đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại, chủ động tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Việt Nam sẵn sàng làm bạn, là đối tác tin cậy với các nước trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam giữ tinh thần hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng cùng có lợi.  Vì vậy, nhiệm vụ của ông trong thời gian tới là: "Phải cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội XIII, đưa vào thực tiễn, phải tập trung làm sâu sắc và đưa vào chiều sâu trong quan hệ với tất cả các đối tác. Khi chúng ta đã có quan hệ tốt đẹp với các nước, chắc chắn môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác của chúng ta sẽ vững chắc".

Đồng lòng hiện thực hóa mục tiêu phát triển  - ảnh 2Toàn cảnh Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV - Ảnh: Trần Hải

Từ góc độ văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng phải khẩn trương để xây dựng chiến lược văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2026 để trình Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở để triển khai trong toàn ngành, coi đây là công cụ để chúng tôi quản lý nhà nước ở lĩnh vực văn hóa. Ở góc độ du lịch, Bộ trưởng cũng chú ý nhiều hơn đến du lịch nội địa, các gói kích cầu, các sản phẩm du lịch và chuẩn bị các điều kiện để đón khách quốc tế trong điều kiện bình thường. Ngoài ra, Việt Nam cũng phải tổ chức thật tốt SEA Games 31.

Niềm tin từ dư luận

Dư luận đánh giá các thành viên Chính phủ mới là những người có quan điểm thực tế, tích cực hành động có thể đạt được những mục tiêu cụ thể, phù hợp với định hướng, đường lối chính trị mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra. Dư luận hy vọng Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy hết trí tuệ, năng lực, tiếp bước những thành công của nhiệm kỳ trước, lãnh đạo đất nước ngày một phát triển.

Ông Vũ Quốc Cự, người dân phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn, bày tỏ: "Tôi hy vọng Thủ tướng và Chính phủ khóa mới sẽ tiếp quản, phát huy thành tích của nhiệm kỳ Chính phủ trước. Đồng thời có những cải tiến, đột phá trong nhiệm kỳ mới để trong khóa mới sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu kép là chống dịch vừa sản xuất, phát triển kinh tế, đưa đất nước phát triển đúng mục tiêu Nghị quyết ĐH XIII của Đảng".

Trong gian đoạn tới, bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như phòng chống dịch COVID – 19, những cải cách kinh tế theo yêu cầu của các thỏa thuận thương mại mới, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, giảm tải các quy định hành chính… Bộ máy Chính phủ mới với các thành viên sáng tạo, nhiệt huyết sẽ đưa Việt Nam vượt qua những thử thách này để đất nước tiếp đà phát triển.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu