Dòng chảy tự do hóa thương mại trên thế giới

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Năm 2020, kinh tế thế giới trải qua đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. 

Các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bùng phát đã khiến thương mại toàn cầu đình trệ. Cùng với đó, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch lan rộng kìm hãm tăng trưởng kinh tế, thương mại thế giới. Tuy nhiên, thương mại thế giới dịp cuối năm 2020 đã ghi nhận sự phục hồi.

Năm 2020, bên cạnh xu hướng mở rộng tự do hóa thương mại, cắt giảm và tiến tới loại bỏ hàng rào thuế quan thông qua việc thực thi cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, các quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch nhằm mục đích bảo hộ nền sản xuất và bảo vệ người tiêu dùng trong nước. Sự sụt giảm trong thương mại toàn cầu càng diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế phải tiến hành trạng thái đóng cửa vì làn sóng Covid-19 đầu tiên. Nhưng cũng rất nhanh sau đó, thương mại đã ghi nhận sự phục hồi.

Dòng chảy tự do hóa thương mại trên thế giới - ảnh 1Lãnh đạo và bộ thưởng thương mại của 15 quốc gia châu Á Thái Bình Dương chụp ảnh trực tuyến sau khi ký kết RCEP ngày 15/11/2020. Ảnh: EPA

Tín hiệu tích cực

Chuyên gia kinh tế trưởng Robert Koopman của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho rằng sau hai năm chiến tranh thuế quan Mỹ - Trung, thương mại quốc tế vẫn được thực hiện khá suôn sẻ thông qua mạng lưới rộng lớn các nhà cung cấp. Nhiều công ty đa quốc gia đang nỗ lực củng cố các cơ sở sản xuất ở các nước thay vì rút lui khỏi thị trường toàn cầu. 

Các bằng chứng về sự hồi phục vững chắc của thương mại toàn cầu trong năm 2020 đang đổ dồn vào tháng cuối của năm khi rất nhiều nền kinh tế dựa vào xuất khẩu lớn ở châu Á đều cho thấy những số liệu khả quan. Hàn Quốc cho biết xuất khẩu của nước này đã tăng trưởng trở lại vào tháng trước, nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tăng vọt vào tháng 11 vừa qua, đạt mức 54,9 điểm – là mức cao nhất thập kỷ. Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản cũng đã quay trở lại mức trước đại dịch.

Đáng chú ý, ngày 15/11/2020, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand ký kết sau 8 năm đàm phán. RCEP tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với thị trường 2,2 tỷ dân, chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26.200 tỷ USD, tương đương 30% GDP và gần 28% thương mại toàn cầu. Việc ký kết RCEP được coi là động lực thúc đẩy hội nhập kinh tế, bảo vệ hệ thống thương mại đa phương vào thời điểm chủ nghĩa đa phương đang mất dần chỗ đứng và tăng trưởng toàn cầu suy giảm.

Toàn cầu hóa thương mại vẫn là xu thế

Vào đầu năm 2020, trong bối cảnh Covid-19 bùng phát, WTO đã đưa ra dự đoán là tăng trưởng của thương mại toàn cầu có thể giảm tới 32% trong năm nay, tức có thể vượt cả mức suy giảm tồi tệ nhất của cuộc đại suy thoái. Trong khi đó diễn biến thực tế lại không bi quan đến vậy. Trong dự báo mới nhất, WTO cho rằng thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ chỉ giảm khoảng 9,2% trong năm nay, tức là thấp hơn cả mức giảm 12% của thương mại toàn cầu vào năm 2009, năm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn một thập kỷ.

Để đối phó với đại dịch Covid-19, các công ty đa quốc gia đã và đang phát triển những cách thức mới cũng như tìm kiếm những địa điểm mới để sản xuất và phân phối hàng hóa. Các nước đang tích cực đa dạng hóa đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh nội địa hóa và khu vực hóa nhằm giảm thiểu rủi ro, đảm bảo sự ổn định cho chuỗi cung ứng. Nhiều chuyên gia nhận định dịch Covid-19 và căng thẳng Mỹ-Trung ở một góc độ nhất định lại như "chất xúc tác" đẩy nhanh xu hướng chuyển hoạt động sản xuất sang các nước khác hoặc đưa về trong nước để khai thác lợi thế về chi phí, lao động hay dịch vụ hậu cần.

Hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu dự báo sẽ còn chưa biết điểm dừng. Tuy nhiên, để giúp cho hệ thống thương mại toàn cầu có khả năng phục hồi tốt, các quốc gia phải đồng lòng chống lại chủ nghĩa bảo hộ và coi toàn cầu hóa là hướng đi để giúp thương mại toàn cầu phát triển bền vững hơn. Những tín hiệu tích cực bước đầu của dòng chảy tự do hóa thương mại cuối năm 2020 đem đến sự lạc quan cho thương mại thế giới 2021.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu