Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng để nâng cao khả năng thích ứng

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2021 với mục tiêu số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình từ 15-20%/năm.

Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng chính là chìa khóa để nâng cao khả năng thích ứng của kinh tế Việt Nam trước những biến động lớn của kinh tế thế giới và khu vực, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo chuyên đề Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4 do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ Việt Nam tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 5/6/2022.

 Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh thế giới có nhiều biến chuyển khó lường và khó dự báo, sự cạnh tranh giữa các nước lớn cùng với tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tác động của các cuộc xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại đã làm cho vấn đề tự cường trong phát triển được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.Với đặc điểm nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, những thách thức từ môi trường kinh tế quốc tế có thể có thể ảnh hưởng nhanh, mạnh và khó lường tới việc thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030. Trong bối cảnh đó, hoạt động đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam cũng đã có những chuyển biến tích cực.

Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số   và đa dạng chuỗi cung ứng để nâng cao khả năng thích ứng - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2021 với mục tiêu số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình từ 15-20%/năm.Về chuyển đổi số, tính đến hết quý I/2022, đã có 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo; 55/63 địa phương đã ban hành nghị quyết/chỉ thị/văn bản của tỉnh ủy/thành ủy về chuyển đổi số; 59/63 địa phương và 19/22 bộ, ngành ban hành chương trình/kế hoạch/đề án về chuyển đổi số giai đoạn 5 năm. Các ngành tài chính – ngân hàng, y tế, giáo dục, nông nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải,… đã có những kết quả tích cực trong hoạt động chuyển đổi số và đưa các hoạt động thường xuyên của ngành lĩnh vực lên môi trường số. Đổi mới khoa học công nghệ, chuyển đổi số đã đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng quản trị Nhà nước và doanh nghiệp để nâng cao tính cạnh tranh.

Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, nêu ý kiến:    "Việt Nam chúng ta cũng đã để lại những dấu ấn và gần đây nhất thì chúng ta thấy với hơn 3.000 doanh nghiệp có liên quan đến vấn đề phát triển các hoạt động đổi mới sáng tạo hệ sinh thái khởi nghiệp thì cái tổng số vốn mà được công bố đầu tư trong những năm qua là đã đạt mức trên 1 tỷ USD liên tiếp trong 2 đến 3 năm gần đây và hiện tăng gấp ba lần so với năm 2017.

Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số   và đa dạng chuỗi cung ứng để nâng cao khả năng thích ứng - ảnh 2Hội thảo chuyên đề "Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng" trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4 do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ tổ chức tại TP.HCM, ngày 5/6. Nguồn:  congthuong.vn

Về đa dạng chuỗi cung ứng, Việt Nam đã tham gia và ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTAs) với các đối tác quan trọng hàng đầu trên thế giới; trong đó có nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương  (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đang ngày càng tham gia có hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng, sản xuất khu vực và toàn cầu và liên tục mở rộng thị trường đầu ra và đầu vào cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng:      "Thông qua việc là thành viên của các tổ chức đa phương cũng như  khi chúng ta tham gia vào các hiệp định thương mại tự do... Đây cũng là cơ hội rất lớn cho chúng ta có được môi trường thuận lợi để có thể đẩy mạnh xuất nhập khẩu. Đặc biệt tôi muốn nhấn mạnh Việt Nam sẽ có cơ hội để tham gia vào đối thoại, để có thể thuận lợi cho chúng ta và doanh nghiệp, từ đó có thể chủ động hơn trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra một cách nhanh chóng và mạnh mẽ, có tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc đến mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới phải điều chỉnh, định hướng lại chiến lược phát triển, hướng trọng tâm đầu tư vào đổi mới khoa học và công nghệ.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và đẩy mạnh triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ. Điều này nhằm nâng cao nội lực nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia trong giai đoạn hiện nay. 

Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng không chỉ là cơ hội, mà rõ ràng còn là công cụ hữu hiệu giúp Việt Nam đạt được mục tiêu, khát vọng phát triển nhanh và bền vững. Chính vì vậy, Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, đưa ra các định hướng, giải pháp, chính sách đột phá nhằm hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực quản trị, trình độ kỹ thuật và tái cấu trúc sản xuất dựa trên đổi mới công nghệ và chuyển đổi số. Nhà nước và doanh nghiệp cũng đã và đang tăng cường hơn nữa sự kết nối trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu