Dấu mốc mới trong quan hệ Trung - Nhật

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Chuyến thăm của Thủ tướng Abe hy vọng sưởi ấm mối quan hệ song phương lạnh nhạt lâu nay, đồng thời và mở ra cánh cửa đón ông Tập Cận Bình thăm Nhật Bản ngay trong năm tới.

Hôm nay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt đầu chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc 3 ngày. Chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản tới Trung Quốc kể từ năm 2011 dự kiến sẽ mang lại những cơ hội hợp tác mới trong quan hệ song phương Nhật - Trung, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

Chuyến thăm đồng thời cũng sẽ giúp 2 bên xích lại gần nhau sau những căng thẳng về chủ quyền trên biển trong thời gian qua. 

Dấu mốc mới trong quan hệ Trung - Nhật - ảnh 1

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Kyodo News

Trung Quốc và Nhật Bản là các cường quốc trong khu vực nhưng mối quan hệ giữa hai nước luôn bị căng thẳng bởi những yếu tố lịch sử và tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông. Thời gian gần đây, hai nước đang nỗ lực làm dịu đi những căng thẳng ngoại giao. Vài năm trở lại đây, Thủ tướng Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có nhiều cuộc gặp song phương bên lề các hội nghị quốc tế. Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản đã không thăm chính thức Trung Quốc kể từ năm 2011 và Chủ tịch Trung Quốc cũng không có chuyến công du nào tới Nhật Bản từ năm 2010.

Thời điểm thích hợp

Đã từ lâu, dư luận không chứng kiến chuyến thăm chính thức cấp cao giữa lãnh đạo 2 quốc gia Đông Bắc Á vì vậy việc Thủ tướng Shinzo Abe thăm Trung Quốc lần này thu hút sự chú ý đặc biệt. Chuyến thăm cho thấy 2 quốc gia đã tạm gác lại những tranh chấp chủ quyền trên biển để sắp xếp 1 chuyến thăm nhiều ý nghĩa. Đây cũng là thời điểm thích hợp khi đúng thời điểm 2 nước cùng kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp ước hòa bình hữu nghị (23/10/1978). Ngày kỷ niệm 40 năm Hiệp định Hòa bình và Hữu nghị Trung - Nhật có hiệu lực được xem là thời điểm thích hợp để Tokyo và Bắc Kinh bắt đầu đặt nền móng cho thời kỳ quan hệ mới.

Ở thời điểm hiện tại, quan hệ Trung - Nhật chứng kiến một số dấu hiệu tiến triển tích cực sau chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Tokyo hồi tháng 5 vừa qua. Hai bên đã đạt được một số thỏa thuận và cần được thúc đẩy triển khai trong thời gian tới. Và chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe phần nào sẽ tiếp tục hiện thực hóa những cam kết mà 2 bên đã thông qua.

Trong khi đó, về phía Trung Quốc, mối quan hệ ngày càng xấu đi với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã khuyến khích Bắc Kinh có động lực mở rộng hợp tác với Nhật Bản. Và hiện tại là thời điểm cần thiết để Bắc Kinh đa dạng hóa quan hệ với các đối tác, trong đó có Tokyo.  Có thể nói lần đầu tiên sau một thời gian rất dài, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tìm kiếm một mối quan hệ tích cực với Nhật Bản.

Lợi ích từ chuyến thăm

Về chính trị, chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản tới Trung Quốc sẽ giúp đạt được sự phát triển mới trong mối quan hệ song phương. Trước thềm chuyến thăm, ông Shinzo Abe bày tỏ sẵn sàng tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc. Ông khẳng định muốn đưa mối quan hệ song phương lên một giai đoạn mới và nhấn mạnh Trung Quốc và Nhật Bản chia sẻ trách nhiệm trong việc mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực. Việc Trung - Nhật cải thiện quan hệ cũng có lợi cho kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Trung, Nhật và Hàn Quốc của Thủ tướng Abe.

Về kinh tế, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng, làm tổn hại đến ngành công nghiệp của cả hai bên. Khoảng 500 lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản tháp tùng chuyến thăm 3 ngày của Thủ tướng Shinzo Abe tới Trung Quốc. Trong dịp này, một Diễn đàn với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu, bao gồm các Bộ trưởng và lãnh đạo doanh nghiệp hai nước cùng thảo luận về các cơ hội hợp tác đầu tư. Vì vậy có thể coi chuyến thăm là cơ hội để Trung Quốc đề nghị Nhật Bản tăng cường đầu tư. Hai bên cũng tìm cách để khôi phục một khuôn khổ hoán đổi tiền tệ đã không hoạt động kể từ năm 2013 và có thể tiến tới một thỏa thuận về các khoản vay của Trung Quốc. Những động thái này rất có ý nghĩa khi Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, trong khi Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc (sau Mỹ) và là nhà đầu tư lớn thứ 4 vào Trung Quốc.

Tuy quan hệ Trung - Nhật có nhiều dấu hiệu tiến triển tích cực nhưng vẫn còn đối mặt nhiều trở ngại. Mối quan hệ này như con thuyền đi ngược dòng nước. Nếu hai bên không cố gắng, mọi thứ sẽ trôi xuôi dòng.  Hai cường quốc của châu Á hiện là đối thủ trực tiếp của nhau trong nhiều lĩnh vực, cạnh tranh quyết liệt về tầm ảnh hưởng trong khu vực cũng như trên thế giới.

Trung Quốc và Nhật Bản cũng chưa thể dàn xếp tranh chấp lãnh thổ trên Biển Hoa Đông, bùng phát năm 2012, khiến quan hệ song phương trở nên căng thẳng nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Dù vậy, chuyến thăm của Thủ tướng Abe hy vọng sưởi ấm mối quan hệ song phương lạnh nhạt lâu nay, đồng thời và mở ra cánh cửa đón ông Tập Cận Bình thăm Nhật Bản ngay trong năm tới.

Quan hệ Trung - Nhật đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cục diện châu Á, liên quan đến nhiều vấn đề mấu chốt của khu vực. Vì vậy, đây là lúc 2 quốc gia Đông Bắc Á  bỏ qua mọi hiềm khích, hướng tới một giai đoạn hợp tác mới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu