Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày hôm nay

PV/VOV
Chia sẻ
(VOV5) - 75 năm qua, nhân dân  Việt Nam đoàn kết, vượt qua khó khăn, chung sức đóng góp xây dựng đất nước phát triển, ngày càng có uy tín trên trường quốc tế.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Ngày mùa thu lịch sử này cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuyên ngôn Độc lập đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam. 75 năm qua, nhân dân  Việt Nam đoàn kết, vượt qua khó khăn, chung sức đóng góp xây dựng đất nước phát triển, ngày càng có uy tín trên trường quốc tế.

75 năm đã qua,  bản Tuyên ngôn Độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên quảng trường Ba Đình mùa thu năm ấy vẫn vang vọng non sông, thấm sâu vào trái tim người Việt Nam. Ngày Quốc khánh - Tết Độc lập, mỗi người dân Việt Nam đều có quyền tự hào về thành quả cách mạng.

Trong suốt 75 năm qua, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam, đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giữ vững độc lập chủ quyền, xây dựng và phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.

Tiếp nối tư tưởng, chính sách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng thực hiện đường lối đổi mới, trong suốt chiều dài 75 năm qua, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Không chỉ giữ vững nền độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, mà Việt Nam còn thu hút các nguồn lực cho phát triển, nâng cao vị thế của đất nước trong khu vực và trên trường quốc tế.

Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày hôm nay - ảnh 1 Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Nguồn: baochinhphu.vn

Đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện với 30 nước. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định:Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, bối cảnh cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn cũng như bất ổn tại các khu vực, chúng ta tiếp tục duy trì phát triển  quan hệ của Việt Nam với tất cả các nước; đặc biệt là sự phát triển ổn định quan hệ của Việt Nam với các nước lớn, các nước quan trọng, các nước láng giềng trong khu vực. Chúng ta không những làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và còn mở rộng thêm.

Trong nước, bức tranh kinh tế - xã hội của Việt Nam đến hết năm 2019, đầu năm 2020 có nhiều mảng sáng, là minh chứng sống động cho thành công của kinh tế Việt Nam trước hàng loạt biến động lớn, khó lường của kinh tế thế giới, khu vực. Năm 2019, tăng trưởng kinh tế đạt 7,02%, là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011. Tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam nằm trong số 20 nền kinh tế có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019. Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong liên kết kinh tế toàn cầu thông qua ký kết nhiều Hiệp định Thương mại Tự do, qua đó tạo ra những động lực to lớn cho phát triển. Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) là một ví dụ. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng: EVFTA cũng như  EVIPA tạo ra những nền tảng rất quan trọng, vị thế của Việt Nam được khẳng định rất mạnh mẽ trên trường quốc tế, như là một trong những quốc gia có đóng góp rất to lớn và có trách nhiệm trong sự phát triển của toàn cầu hóa, theo hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại.

Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày hôm nay - ảnh 2 Ảnh minh họa. Nguồn:  tuyengiao.vn

Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh toàn cầu của kinh tế Việt Nam đã tăng 10 bậc so với năm 2018 lên vị trí 67/141 quốc gia và vùng lãnh thổ và xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư (tăng 15 bậc so với năm 2018)… Những thành tựu này góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao thuộc loại hàng đầu của khu vực.

Bước ra từ 2 cuộc chiến tranh, Việt Nam đã để lại dấu ấn với bạn bè quốc tế bởi khát vọng hòa bình mãnh liệt cho dân tộc mình. Giờ đây, thế giới lại được chứng kiến Việt Nam trở thành mảnh đất ươm mầm cho hòa bình. Lần thứ hai, cái tên Việt Nam được xướng lên đầy kiêu hãnh tại Tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu khi Việt  trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 202-2021 với số phiếu cao nhất trong lịch sử bỏ phiếu của Liên hợp quốc.

Tự hào, xúc động bởi với số phiếu gần như tuyệt đối 192/193. Đây là con số cao kỷ lục trong lịch sử 75 năm của Liên Hợp Quốc, là minh chứng rõ nhất cho sự đóng góp và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế:-Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Việt Nam đã vượt ra khỏi những vấn đề trực tiếp liên quan đến lợi ích của mình, sẵn sàng đóng góp vào công việc chung. Các nước nhìn thấy vai trò, vị thế Việt Nam, thấy khả năng và trách nhiệm của Việt Nam có thể làm được.

Nguyên Thứ trưởng ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng: "Vị thế của Việt Nam đã rất khác. Chúng ta đã trải qua những năm tháng đổi mới, hội nhập và rõ ràng chúng ta đã có vị thế rất lớn ở trên trường quốc tế, cả đóng góp cho phát triển, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ cũng như đóng góp cho hòa bình khu vực và hòa bình thế giới. Đây là điều mà đã được các nước đánh giá rất cao".

Năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên cùng đảm đương đồng thời trọng trách là Chủ tịch ASEAN 2020. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến hầu hết các quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến các chương trình, kế hoạch của  ASEAN, một lần nữa, Việt Nam lại chứng tỏ năng lực linh hoạt của mình, kết nối thích ứng ASEAN cùng hành động chống dịch. Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đánh giá: "Việt Nam đã thể hiện “tầm lãnh đạo mạnh mẽ” trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch Covid-19. ASEAN đã đoàn kết và nhanh chóng ứng phó với đại dịch, thúc đẩy các quốc gia thành viên đối thoại và hợp tác.

Những thành công bước đầu trong quá trình chủ động phòng, chống  dịch Covid-19 đã và đang được kiểm soát tốt, không có bệnh nhân tử vong vì Covid-19 (tính đến 6g ngày 14-7-2020), Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao về tính chủ động, biện pháp nhanh và hiệu quả, ứng phó tốt nhất với dịch Covid-19 trên thế giới...

Những thành quả và thắng lợi trong suốt 75 năm qua  tiếp tục tạo tiền đề để Việt Nam đổi mới và phát triển mạnh mẽ hơn trong bối cảnh thế giới mới đầy biến động.  Việt Nam tiếp tục kiên định đường lối đổi mới, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, biến khát vọng Việt Nam thịnh vượng và hùng cường thành hiện thực, đưa đất nước tiến đến mốc son mới: Trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045-thời điểm tròn 100 năm thành lập nước. Như lời Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh:Tình hình quốc tế và trong nước tạo ra nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải nỗ lực rất cao, quyết tâm rất lớn, phấn đấu để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của năm 2020 mà trọng tâm là phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Giữ vững độc lập, chủ quyền và môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

"Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay": Lời của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là sự tự tin, niềm tự hào của Việt Nam trong chặng đường sắp tới. Thành quả của cuộc cách mạng từ mùa thu 1945 là tiền đề để Việt Nam tiếp tục vững bước trên con đường mình đã chọn, cho hôm nay và mai sau.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu