Đảm bảo tính nhân văn trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Minh Châm - Thúy Hằng
Chia sẻ
(VOV5) -Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hơn thể chế kinh tế này để đem lại lợi ích cao hơn cho nhân dân.

Trước yêu cầu đổi mới của nền kinh tế đất nước, để đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, Đảng và Nhà nước đã nghiên cứu, xem xét những vấn đề đặt ra để hoàn thiện hơn thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đây cũng là nội dung được Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam bàn thảo tại Hội nghị lần thứ 5 đang diễn ra tại Hà Nội.

Đảm bảo tính nhân văn trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - ảnh 1 Ảnh minh họa

Đại hội lần thứ IX của Đảng cộng sản Việt Nam năm 2001 đã khẳng định mô hình nền kinh tế ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (gọi tắt là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa). Sự lựa chọn đó là xuất phát từ những lợi ích của việc phát triển kinh tế - xã hội đem lại cho Việt Nam. Đến nay, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hơn thể chế kinh tế này để đem lại lợi ích cao hơn cho nhân dân.

Thống nhất và làm rõ hơn nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Thực tiễn những năm đổi mới chỉ ra rằng việc chuyển sang mô hình kinh tế thị trường của Đảng cộng sản Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn. Nhờ mô hình kinh tế đó, Việt Nam đã bước đầu khai thác được tiềm năng trong nước đi đôi với thu hút vốn và kỹ thuật nước ngoài, giải phóng được năng lực sản xuất trong xã hội, phát triển lực lượng sản xuất, góp phần quyết định bảo đảm nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội được tăng cường. Đời sống của nhân dân được cải thiện, nâng cao tích luỹ xã hội, tạo tiền đề cho sự phát triển trong tương lai.

Tuy nhiên, so với yêu cầu chuyển sang nền kinh tế thị trường hiện đại đầy đủ thì nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam vẫn còn cách biệt so với thế giới, do nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đủ rõ, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới về phát triển kinh tế. Do đó, đây là thời điểm cần tiếp tục thống nhất và làm rõ hơn nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa  đã được chúng ta bàn nhiều năm, bây giờ là thời điểm quan trọng để nhìn nhận thêm về vấn đề này, quan trọng vì thế giới đã thay đổi, quan trọng vì Việt Nam cũng đang ở bước ngoặt trong cải cách và phát triển. Nếu nhìn vấn đề cơ bản nhất của thể chế thì có 3 góc độ. Thứ nhất là luật chơi, thứ 2 là tổ chức, thứ 3 là cách thức triển khai thực thi nền kinh tế này.”

Đảm bảo tính nhân văn của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, cho rằng: xây dựng và phát triển đất nước theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam kiên định thực hiện trong nhiều năm qua và sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới. Ông Nguyễn Quang Thái khẳng định: “Kinh tế thị trường đích thực đó là tuân theo quy luật của thị trường, của cung- cầu, của giá cả thị trường và của cạnh tranh thị trường quốc tế và nhất là hội nhập. Cho nên Trung ương đã xác định là kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế đó là yêu cầu rất cao. Nhưng đồng thời chúng ta cũng nhấn mạnh đến tính nhân văn của xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Chúng ta phấn đấu đến 1 nền kinh tế thị trường phát triển nhanh, bền vững nhưng đồng thời cũng hướng đến người dân để làm cho mỗi người dân và cả dân tộc được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới, phát triển.”

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một sự nghiệp, một quá trình chưa có tiền lệ nên có những vấn đề đặt ra trong điều kiện hiện nay cần phải được tiếp tục xem xét, hoàn thiện. Phó Giáo sư. Tiến sĩ Nguyễn Thị Như Hà, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: “Cần tập trung giải quyết các vấn đề về sở hữu, tổ chức lại doanh nghiệp, tái cơ cấu lại. Phát triển nguồn nhân lực để tạo điều kiện quan trọng nhất để đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cao vào trong sản xuất, đây là vấn đề quan trọng nhằm nâng cao năng suất lao động. Trong thời gian tới, cần tập trung phát triển vào khu vực nông nghiệp nông thôn, để tạo cú hích để làm cho khu vực này trở thành khai thác được những tiềm năng và trở thành vị thế lớn của nền kinh tế nước ta.”

Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đối với Việt Nam là một tất yếu kinh tế, một nhiệm vụ kinh tế cấp bách để chuyển nền kinh tế lạc hậu thành nền kinh tế hiện đại, hội nhập vào sự phân công lao động quốc tế. Đó là con đường đúng đắn để phát triển lực lượng sản xuất, khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng của đất nước để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu