Đảm bảo thông tin về bầu cử đến với mọi người dân

Nhóm phóng viên VOV
Chia sẻ
(VOV5) - Bảo đảm quyền được thông tin của công dân luôn được Đảng và Nhà nước chú trọng nhấn mạnh trong nhiều chủ trương, chính sách. 

Bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra vào ngày 23/5 tới là sự kiện chính trị quan trọng của Việt Nam. Hiện, công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử đang được các địa phương đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Đây là cơ sở quan trọng để cử tri cả nước hiểu đúng, hiểu rõ về tinh thần làm chủ, tính trách nhiệm của mình khi tham gia bầu cử, đồng thời cũng đảm bảo mọi người dân từ miền xuôi đến miền núi, hải đảo được tiếp cận các thông tin về cuộc bầu cử. Từ đó, lựa chọn và bầu được những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng tham gia vào Quốc hội, HĐND các cấp. 

Đảm bảo thông tin về bầu cử đến với mọi người dân - ảnh 1Ảnh minh hoạ: chinhphu.vn

Bảo đảm quyền được thông tin của công dân luôn được Đảng và Nhà nước chú trọng nhấn mạnh trong nhiều chủ trương, chính sách. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử được hết sức chú trọng để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong xã hội về sự kiện chính trị quan trọng này của đất nước.

Đa dạng về hình thức

Tuyên truyền về bầu cử diễn ra từ trước, trong và sau cuộc bầu cử. Tuy nhiên, cao điểm là từ đầu tháng 4 đến ngày 23/5, ngày diễn ra cuộc bầu cử. Trong suốt quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử, công tác thông tin tuyên truyền được tiến hành một cách có hệ thống, từ Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp, các cơ quan báo chí ở trung ương, các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương, ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, chính quyền địa phương…. Việc tổ chức, chỉ đạo tuyên truyền có hệ thống như vậy đảm bảo mọi công dân đều bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin về cuộc bầu cử.

Trong bối cảnh công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển mạnh nên hình thức tuyên truyền về bầu cử rất đa dạng. Các ấn phẩm truyền thông tuyên truyền (infographic, poster, banner) trên hệ thống trang thông tin điện tử, mạng xã hội; các chương trình tọa đàm, các hội thi, khai trương các Website tuyên truyền bầu cử.. cũng như sử dụng hệ thống loa truyền thanh cơ sở được khai thác tối đa. Ông Vũ Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng, đánh giá: “Tuyên truyền bầu cử góp phần quan trọng cung cấp thông tin, kịp thời về công tác bầu cử đến với các tổ chức, cá nhân và mọi người dân. Đặc biệt việc sử dụng các website giúp người dân có thể dễ dàng sử dụng thiết bị di động có kết nối internet để truy cập ở lúc mọi nơi để khai thác các thông tin, tài liệu hướng dẫn về bầu cử mà không cần phải đến xem trực tiếp các bảng niêm yết người ứng cử tại điểm bầu cử”.

Ngoài đa dạng về hình thức, để đảm bảo thông tin bầu cử đến với mọi người dân, ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng tuyên truyền phù hợp với phong tục, tập quán, đặc điểm sống, tiếng nói, chữ viết của đồng bào... Anh Ma Văn Hữu, cán bộ Văn hóa, thông tin –Thể thao xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn), cho biết: “Chúng tôi hàng ngày soạn các bản tin tiếng Tày, tiếng Mông dựa theo bản tin của huyện, sau đó có 1 bản tin bằng tiếng phổ thông, rồi phát trên loa truyền thanh và loa tuyên truyền lưu động nữa”.

Tạo sự thống nhất, đồng thuận  

Các bước chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp đang diễn ra theo đúng quy trình. Công tác thông tin tuyên truyền được chủ động triển khai, sáng tạo, rộng khắp, giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử. Ông Hoàng Thế Minh, người dân xã Hòa Bình (thành phố Hạ Long), chia sẻ: “Tôi thấy công tác tuyên truyền bầu cử đợt này được làm rất tốt. Họp cử tri thì dân đến đầy đủ để hiểu và biết về công tác bầu cử vì đi bầu cử thì phải nắm bắt được những thông tin đó thì mới đi bầu cử được. Qua loa, đài thì bà con họ hưởng ứng đông lắm, nhờ tuyên truyền mà họ càng hiểu sâu hơn về nội dung này”.

Công tác tuyên truyền là một trong những yếu tố có tính chất quyết định cho thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đến thời điểm này, người dân đã được tiếp cận những thông tin cơ bản về quyền, nghĩa vụ của công dân tham gia bầu cử và sẽ nhận được thông tin công khai về các ứng cử viên trong thời gian tới. Công tác này tạo sự thống nhất về nhận thức, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu