Đảm bảo sống hạnh phúc, quyền cơ bản của con người

Lại Hoa
Chia sẻ
(VOV5)- 70 năm qua kể từ ngày thành lập nước, Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn về nhân quyền.
(VOV5)- 70 năm qua kể từ ngày thành lập nước, Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn về nhân quyền.


Đúng ngày này 67 năm trước (10/12), bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua tại Paris, Pháp, được dịch ra ít nhất 375 ngôn ngữ. Đây là một khuôn mẫu chung cần đạt tới của mọi quốc gia và dân tộc. Tại Việt Nam, 70 năm qua kể từ ngày thành lập nước, Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn về nhân quyền.


Đảm bảo sống hạnh phúc, quyền cơ bản của con người - ảnh 1
Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về nhân quyền (Ảnh minh họa).


Ngay từ những ngày đầu của cách mạng, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã khẳng định bản chất của chế độ là chế độ vì con người, vì quyền tự do của con người. 70 năm qua, toàn bộ những vấn đề liên quan đến quyền con người đã được khẳng định và đưa vào luật pháp. Việc hiện thực chính sách liên quan đến quyền con người được đảm bảo trên tất cả lĩnh vực đời sống, văn hóa, tinh thần cũng như điều kiện đảm bảo phúc lợi cho con người. 


Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc


Ngay sau khi đất nước giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trả lời báo chí nước ngoài, đã nói: “Tôi chỉ có hoài bão, ước muốn duy nhất đó là làm sao cho đất nước ta được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Cơm ăn, áo mặc, học hành đó là những điều kiện tối thiểu đảm bảo hạnh phúc của người dân một đất nước vừa giành được độc lập, tự do. Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: Quyền được sống trong hòa bình đó là cố gắng nỗ lực đổi bằng xương máu, trí tuệ của lớp lớp thế hệ cha anh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Khi đất nước có độc lập tự do mà nhân dân không được hạnh phúc thì độc lập tự do ấy không để làm gì”. Để thực hiện điều Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn, đòi hỏi là cả quá trình xây dựng, cố gắng, vượt qua những thách thức, những sai lầm, những khó khăn để cuối cùng mang lại cuộc sống tốt đẹp.


Pháp luật về quyền con người ngày càng hoàn thiện


70 năm qua, những thành tựu Việt Nam đạt được trong lĩnh vực nhân quyền thể hiện trên nhiều khía cạnh, trong đó có việc đưa toàn bộ những vấn đề liên quan đến nhân quyền, quyền của người dân vào luật pháp, xây dựng Nhà nước Pháp quyền. Đáng chú ý, Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua, trong đó có 36 điều liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Những quyền đó bao gồm tất cả các lĩnh vực liên quan đến đời sống, vật chất, văn hóa, tinh thần cũng như điều kiện đảm bảo phúc lợi cho con người. Giáo sư, Tiến sỹ Võ Khánh Vinh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng: So với Hiến pháp các nước, chúng ta có bước đột phá về sự trưởng thành. Hiện nay toàn bộ hướng chương trình hoàn thiện pháp luật phục vụ cho Hiến pháp 2013 thì hướng quan trọng là quyền con người. Trong xây dựng và thực thi pháp luật Việt Nam đã tiếp cận với pháp luật quốc tế, chúng ta đã tham gia 7/9 công ước quốc tế về quyền con người. Đây là thành tựu trong lĩnh vực luật pháp. Nhưng đồng thời, hiện nay chúng ta hoàn thiện hệ thống pháp luật, đây là sự nghiệp cần tiếp tục rà soát.


Tính từ năm 2009 đến nay, 25 đạo luật quan trọng đã được Quốc hội ban hành và sửa đổi nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho việc tôn trọng và bảo đảm thực thi quyền con người. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã phê duyệt và triển khai thực hiện 41 chiến lược và chương trình quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội với ưu tiên dành cho các nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Tiến sỹ Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho rằng chỉ riêng chính sách về đảm bảo đồng bào dân tộc ít người đã có hơn 200 văn bản chính sách khác nhau, bao phủ tất cả các lĩnh vực từ đảm bảo cuộc sống vật chất đến văn hóa, dịch vụ, y tế: Đến nay, các điều luật của chúng ta đã thể hiện khá đầy đủ về quyền các dân tộc thiểu số trong điều 5 của Hiến pháp. Chúng ta thực hiện chính sách giảm nghèo đạt thành quả quan trọng được trong nước quốc tế đánh giá cao, hàng năm chúng ta giảm nghèo 4-5%.  Về giáo dục, trước đây vùng dân tộc thất học và mù chữ nhưng đến nay đã phổ cập giáo dục xong tiểu học, trung học cơ sở đang tiến tới trung học phổ thông. 


Đi đầu trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về quyền con người
Việt Nam cũng là quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ theo công ước quốc tế về quyền con người. Đây chính là động lực để bảo vệ chủ quyền dân tộc, bảo vệ quyền dân tộc tự quyết đã được cộng động quốc tế xác lập. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Dũng Chí, Viện Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: Trong giai đoạn mới, Việt Nam cần phải nâng cao nhận thức cho người dân về quyền con người, trước hết là cán bộ công chức thuộc bộ máy nhà nước phải hiểu được quyền con người, chức năng, nhiệm vụ để thực hiện. Điều này cũng đòi hỏi các cơ quan lập pháp thực hiện đầy đủ trong thực hiện bảo vệ quyền con người như Hiến pháp năm 2013 đã xác nhận.


Đến nay, Việt Nam đã ban hành và tích cực triển khai Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, nhằm tạo nền tảng pháp lý cao nhất để bảo đảm quyền con người được hiện thực hóa đầy đủ trong thực tiễn, đảm bảo cuộc sống mỗi người dân được tự do, bình đẳng, hạnh phúc. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu