Đài tiếng nói Việt Nam chuyển mình trong xu thế mới

Khương Thuỷ
Chia sẻ
(VOV5) - Đài tiếng nói Việt Nam không ngừng nỗ lực để đổi mới nội dung chương trình, đầu tư trang thiết bị để mang đến cho công chúng những sản phẩm báo chí tốt nhất.

Hôm nay tròn 94 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/06/1925 - 21/06/2019). Đồng hành cùng sự phát triển của báo chí cách mạng, trong 74 năm xây dựng và trưởng thành, Đài tiếng nói Việt Nam không ngừng nỗ lực để đổi mới nội dung chương trình, đầu tư trang thiết bị để mang đến cho công chúng những sản phẩm báo chí tốt nhất. Đây tiếp tục là hướng đi tập trung của Đài trong thời gian tới. Điều này được PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên TW Đảng, Tổng giám đốc Đài TNVN khẳng định nhân 94 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.

Đài tiếng nói Việt Nam chuyển mình trong xu thế mới  - ảnh 1 Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ

Theo Tổng giám đốc Nguyễn Thế Kỷ, bất kỳ cơ quan báo chí hay loại hình báo chí nào đều có thế mạnh riêng. Nếu biết khai thác, biết hạn chế những điểm yếu thì sẽ có chỗ đứng vững vàng trong lòng độc giả.

Hiện nay, Đài TNVN là cơ quan báo chí có đầy đủ 4 loại hình báo chí, trong đó phát thanh vẫn mạnh nhất, cùng với đó, Đài được chính phủ giao cho quản lý đài VTC (mảng báo hình). 2 tờ báo điện tử là vov.vn và vtcnews; báo Tiếng nói Việt Nam và ấn phẩm Sóng việt.

Chuyên biệt về nội dung, đi đầu trong áp dụng công nghệ mới

74 năm xây dựng trưởng thành, Đài TNVN tự hào về chặng đường đã đi qua song nhìn về phía trước còn có cả niềm vui, xen lẫn những âu lo, thách thức không nhỏ. Đó là xu thế toàn cầu hóa về thông tin, bùng nổ về số hóa….Điều này cơ quan báo chí nào cũng ý thức được nhưng với những cơ quan báo chí lớn thì trách nhiệm hay áp lực còn lớn hơn nữa. Theo Tổng giám đốc Nguyễn Thế Kỷ, thực tế này đòi hỏi cơ quan báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí phải giải quyết cho được 5 vấn đề, trong đó nội dung là yếu tố hàng đầu. Bởi nội dung là trái tim của cơ quan báo chí. Và VOV đã có những điều chỉnh để giữ được vai trò quan trọng trong hệ thống báo chí Việt Nam.

"Bây giờ phải đi vào hướng chuyên biệt, như kênh VOV1 là tập trung cho thời sự, ai muốn nghe thời sự thì nghe cả ngày, nghe khi nào cũng được. Rồi chương trình văn hóa xã hội của VOV2, chương trình về âm nhạc và giải trí VOV3, chương trình về cho đồng bào các dân tộc thiểu số, chương trình dành cho người nước ngoài hiện nay đài phát 13 thứ tiếng nước ngoài (VOV5), những nơi đông khách du lịch nước ngoài thì có kênh tiếng Anh 24/7;  rồi chương trình văn học nghệ thuật VOV6, chương trình VOV giao thông. Những chương trình này vừa kết hợp thay đổi nội dung đi vào chuyên biệt nhưng đồng thời phân khúc người nghe, chia công chúng ra. Điều này sẽ tạo ra lượng tính giả chuyên biệt".

Một điểm nữa là kỹ thuật công nghệ. Bây giờ phải coi trọng kỹ thuật công nghệ hơn trước bởi đây là cách để đưa thông tin đến với công chúng trong và ngoài nước, thậm chí phải cạnh tranh với nhau và đặc biệt cạnh tranh với mạng xã hội. Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ cho biết: "Hiện nay Đài cũng trình Chính phủ đề án số hóa về phát thanh. Ngoài phương tiện về phát sóng, máy phát sóng thì chúng tôi còn phát qua vệ tinh ở các khu vực trên thế giới, rồi internet, các ứng dụng như vov.vn, vtc now đưa thông tin của mình lên hạ tầng điện thoại di động, máy tính bảng, các phương tiện khác. Ngay như bây giờ xã hội phát triển đời sống của cư dân khá lên thì số lượng sử dụng ô tô nhiều, họ không chỉ nghe VOV giao thông mà cũng nghe những kênh khác nữa, cho nên mình làm sao mà kết hợp được cả nội dung và kỹ thuật công nghệ".

Đài tiếng nói Việt Nam chuyển mình trong xu thế mới  - ảnh 2

Bản sắc riêng trong bối cảnh quy hoạch báo chí

Đề án của Chính phủ về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 và những năm tiếp theo có mục đích làm cho báo chí mạnh hơn, thậm chí có nguồn lực tốt hơn để phát triển. Mỗi cơ quan phải biết phát huy thế mạnh loại hình của mình. Truyền hình bằng hình ảnh, phát thanh bằng âm thanh…Theo Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ, khi thực hiện Quy hoạch báo chí, cần đề cao tính khoa học, tính chuyên nghiệp, tính hệ thống, chú ý đến tính chất, đặc thù mỗi loại hình báo chí. Đài đang cơ cấu lại để thích ứng với thời cuộc, để tinh gọn hơn.           

"Chắc chắn sẽ giảm khá nhiều nhân sự nhưng bù lại, Đài tập trung thu hút những nhân sự giỏi. Thứ 2 là xây dựng chiến lược phát triển đài. Bây giờ là sản xuất dựa trên những công nghệ mới. Đài phải áp dụng, tìm cách đưa công nghệ thông minh vào chương trình phát thanh, truyền hình của mình. Rồi truyền dẫn phát sóng, làm sao đến với công chúng ở xa nhất, tín hiệu tốt nhất và tiện lợi nhất…Tức là có thể chọn cho mình đối tượng công chúng ruột, đồng thời kéo thêm thính giả bằng chương trình tốt. Tôi nghĩ rằng, từ người lãnh đạo cao nhất cho đến cán bộ, phóng viên, nhân viên, nghệ sỹ luôn luôn phải đặt ra áp lực cho chính mình, tức là cố gắng để đổi mới mình, không để tụt lại trong chặng đường đi tới".

Ngoài ra Đài tiếng nói Việt Nam cũng cố gắng xây dựng đội ngũ phóng viên không chỉ giỏi về chuyên môn, không chỉ có bản lĩnh chính trị vững vàng mà còn có đạo đức nghề nghiệp.

Là một trong những cơ quan báo chí chủ lực của đất nước, Đài tiếng nói Việt Nam có  nhiều bước tiến mới trong thời gian qua. Và trong bối cảnh hiện nay, việc Đài tiếp tục đổi mới hơn nữa, tận dụng lợi thế của các loại hình truyền thông sẽ là cơ sở để Đài phát triển mạnh mẽ, thích ứng với xu hướng phát triển báo chí.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu