Đã đến lúc tìm một giải pháp chính trị cho Syria?

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) -Cho đến lúc này, mọi cánh cửa đàm phán vẫn đang được tất cả các bên nỗ lực mở ra.

Cuộc không kích của Mỹ, Anh và Pháp vào Syria, nhằm trừng phạt chính quyền nước này do nghi ngờ sử dụng vũ khí hóa học đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế. Hành động tấn công quân sự vào một quốc gia có chủ quyền được xem là hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, có thể tạo ra những hiểm họa khôn lường, thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan trong khu vực. Và lúc này, cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm kiếm một giải pháp toàn diện nhằm chấm dứt bạo lực và tái lập hòa bình cho Syria.

Đã đến lúc tìm một giải pháp chính trị cho Syria? - ảnh 1Một trung tâm nghiên cứu gần Damascus bị phá hủy sau cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh. - Ảnh: EPA.  

Như tin đã đưa, rạng sáng 14/4, liên quân Mỹ, Anh, Pháp đã tiến hành tấn công quân sự Syria. Vụ tấn công không kéo dài, không gây thương vong đáng kể, thiệt hại vật chất là không cao, song vụ việc đã làm đốt nóng bầu không khí chính trị quốc tế trong suốt 3 ngày qua.

Tấn công quân sự không phải là giải pháp

Nhiều nước lên tiếng cho rằng vụ tấn công của Mỹ và Anh cùng Pháp nhằm vào Syria với lý do đáp trả cuộc tấn công phương Tây nghi sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Damacus chống dân thường là hành động thách thức quy tắc, chuẩn mực của cộng đồng quốc tế. Bởi cho tới nay, vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, vốn là thành trì của phe đối lập ở Đông Ghouta 1 tuần trước vẫn chưa được xác minh.

Ngay tại Mỹ, các hoạt động biểu tình đã diễn ra tại các thành phố như Los Angeles, Portland, New York và thủ đô Washington phản đối các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Syria. Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tiến hành họp khẩn song không đưa ra được nghị quyết nào. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres thúc giục tất cả các nước kiềm chế trong hoàn cảnh nguy hiểm như hiện nay và tránh bất kỳ hành động nào có thể khiến vấn đề leo thang, làm tồi tệ thêm những khổ đau của người dân Syria.

Cho đến lúc này, tính hiệu quả của cuộc không kích hiện vẫn đang có sự khác biệt quá lớn giữa công bố từ các bên. Trong khi Mỹ cho biết đã áp đảo và tránh được hệ thống phòng không Syria để tấn công mọi mục tiêu chính yếu của chương trình vũ khí hóa học nước này thì phía Nga nói hầu hết tên lửa mà Mỹ và phương Tây tấn công đều bị hệ thống phòng không của Syria bắn hạ.

Song hơn cả, điều đáng nói ở cuộc không kích lần này là hành động trút bom đạn xuống một đất nước có chủ quyền vừa trải qua giai đoạn dài xung đột, vừa mới le lói hy vọng hướng tới hòa bình sau khi lực lượng khủng bố bị quét sạch và bước vào giai đoạn đàm phán chính trị để ổn định như Syria, là khó có thể biện minh. Bởi trong lúc này, tất cả các bên đều phải hết sức thận trọng trong mỗi hành động của mình mới có hy vọng gỡ được nút thắt xung đột kéo dài nhiều năm tại Syria.

Tìm hướng đàm phán

Sau cuộc không kích của liên quân Mỹ-Anh-Pháp, cùng với việc kêu gọi Tổ chức Cấm vũ khí hóa học khẩn trương tiến hành điều tra đầy đủ và độc lập đối với các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, thực hiện viện trợ nhân đạo cho người dân Syria, cộng đồng quốc tế cũng đang nỗ lực thúc đẩy một hướng đàm phán mới, nhằm giải quyết triệt để vấn đề Syria.

Các nước Trung, Đông Âu trong tuyên bố của mình đều tái khẳng định quan điểm ủng hộ nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt bạo lực và tái lập hòa bình tại Syria thông qua các giải pháp ngoại giao. Áo đề nghị tất cả các bên liên quan cần tiếp tiếp tục nối lại các cuộc đàm phán hòa bình của Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria, vốn được tổ chức tại thủ đô Vienna của Áo từ năm 2015 đồng thời khẳng định sẵn sàng làm trung gian, tổ chức các cuộc hòa đàm Syria vào bất cứ thời điểm nào. 

Đã đến lúc tìm một giải pháp chính trị cho Syria? - ảnh 2 Người dân Mỹ biểu tình tại Philadelphia, bang Pennsylvania, phản đối Mỹ không kích Syria. - Ảnh: sggp 

Sau vụ không kích, Mỹ và các đồng minh cũng đang có xu hướng quay trở lại các biện pháp ngoại giao. Một dự thảo nghị quyết chung do 3 nước soạn thảo đã được đưa ra bàn thảo tại Hội đồng bảo an LHQ, trong số những đề xuất được nêu có việc thiết lập một cuộc điều tra độc lập để điều tra về các vụ tấn công tại Syria nhằm xác định thủ phạm. Trong khi đó, Đức cũng tuyên bố sẽ hợp tác với Pháp mở ra một hình thức đàm phán mới nhằm giải quyết vấn đề Syria, trong đó có sự tham gia của các quốc gia có ảnh hưởng để đảm bảo giải quyết xung đột chính trị tại quốc gia Trung Đông này.

Với môi trường địa chính trị phức tạp và nhạy cảm của Syria, sự can thiệp quân sự của phương Tây vừa qua chắc chắn sẽ gây ra một phản ứng dây chuyền mới trong Trung Đông. Trong lúc này, tất cả các bên cần phải có những hành động kịp thời, cùng đàm phán hợp tác để giải quyết trên cơ sở Hiến chương LHQ, các công ước quốc tế. Và cho đến lúc này, mọi cánh cửa đàm phán vẫn đang được tất cả các bên nỗ lực mở ra.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu