Công đoàn đổi mới hoạt động khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) -Tổ chức Công đoàn Việt Nam đã ngày càng khẳng định được vai trò của mình đối với công nhân viên chức lao động, là chỗ dựa vững chắc cho người lao động Việt Nam.

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực ngày 30/12/2018 mở ra cơ hội cũng như thách thức đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn đổi mới nội dung và phương thức hoạt động hướng về cơ sở, tạo phúc lợi cho người lao động. Qua đó, khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn, là chỗ dựa tin cậy của người lao động trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế toàn cầu.

Điểm nổi bật là các cấp công đoàn đã chủ động tham gia với người sử dụng lao động trong các vấn đề lương, thưởng, nội quy lao động, tổ chức đối thoại về vấn đề quyền, nghĩa vụ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Công đoàn Việt Nam cũng tham gia với Chính phủ trong việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp, bảo đảm quyền lợi, nhu cầu cuộc sống cho người lao động…

 Công đoàn đổi mới hoạt động khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP - ảnh 1Quốc hội bàn về Hiệp định CPTPP - Ảnh: VPQH 

Chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động

Để bảo vệ quyền lợi người lao động, tổ chức Công đoàn đã thực hiện một nhiệm vụ tương đối mới là khởi kiện các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của người lao động theo Luật. Bước đầu, Công đoàn Việt Nam tập huấn cho cán bộ công đoàn về quy trình khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội; phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức giám sát, kiểm tra để tháo gỡ những khó khăn của địa phương khi khởi kiện các doanh nghiệp vi phạm theo quy định pháp luật của Bảo hiểm xã hội.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết: "Chúng ta chưa có đội ngũ luật sư, chúng tôi đang xây dựng đề án làm sao có 20 luật sư công đoàn. Tuy nhiên để thực hiện được thì còn nhiều khó khăn. Theo Luật Luật sư, cán bộ công chức không được làm luật sư  trong khi đội ngũ cán bộ công đoàn trực tiếp cơ sở hiện nay hầu hết là công chức. Tổ chức công đoàn phải có trách nhiệm làm sao đảm bảo cho luật sư hành nghề nhưng chỉ tập trung vào mảng pháp luật lao động, để họ gắn bó với công đoàn, hoạt động tâm huyết, không vì lợi nhuận."

Các cấp Công đoàn Việt Nam đã ký mới gần 400 thỏa thuận hợp tác với các đơn vị doanh nghiệp, để tạo phúc lợi cho đoàn viên, đưa các sản phẩm, dịch vụ đến đoàn viên công đoàn với giá ưu đãi từ 5-20%. Năm 2018, khoảng 1,5 triệu đoàn viên công đoàn được hưởng lợi với số tiền ước hưởng khoảng 500 tỷ đồng từ chính sách này.

Điểm nhấn trong hoạt động công đoàn mỗi dịp cuối năm là tập trung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động đón Tết Nguyên đán với chương trình “Tết sum vầy”. Đây là hoạt động có ý nghĩa và thiết thực chăm lo cho công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn, góp phần tăng cường sự đồng tâm của Công đoàn các cấp vì lợi ích chính đáng của người lao động.

Bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, nơi có đội ngũ công nhân lao động lớn, cho biết: bên cạnh hoạt động giám sát doanh nghiệp chi trả lương, thưởng tết cho người lao động, công đoàn tỉnh đã quan tâm hơn đến cuộc sống của từng người lao động: "Tết sum vầy tổ chức thường niên mà tổ chức công đoàn đã tập trung trong đó, những việc làm đã định ra kế hoạch việc làm trước việc làm sau, các hoạt động trọng tâm như tổ chức các chuyến xe tàu tặng vé cho người lao động nhiều năm không về quê đón tết. Đồng thời những đối tượng lao động không về quê đón tết, công đoàn có tổ chức những buổi họp mặt gia đình công nhân khó khăn để  tạo không khí vui tươi cho người lao động trong dịp tết bên cạnh đó quan tâm đến các chế độ chính sách cho người lao động."

Thực hiện mục tiêu thu hút đoàn viên công đoàn

Việc Việt Nam vừa tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là thách thức đối với tổ chức Công đoàn bởi người lao động có thể tham gia tổ chức khác của người lao động mà không phải tổ chức Công đoàn Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Công đoàn Việt Nam đổi mới nội dung phương thức hoạt động, thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu hút đoàn viên, người lao động.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết: "Công đoàn muốn thu hút đông đảo người lao động đến với mình mà không phải đến với tổ chức của người lao động khác, chúng tôi phải làm thật tốt công việc đại diện chăm lo bảo vệ, nhất là việc đổi mới làm sao có nhiều lợi ích tổ chức công đoàn Việt Nam mang lại cho đoàn viên công đoàn. xây dựng các quy định pháp luật, trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, việc đảm bảo để xử lý những thực tiễn phát sinh, quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động. Như vậy, người lao động thấy vai trò vị trí của tổ chức công đoàn Việt Nam mang lại cho họ thiết thực hiệu quả thì họ sẽ tham gia với mình."

Qua việc đổi mới phương thức hoạt động hướng mạnh về cơ sở, Tổ chức Công đoàn Việt Nam đã ngày càng khẳng định được vai trò của mình đối với công nhân viên chức lao động, là chỗ dựa vững chắc cho người lao động Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu