Chuyến công du nhiều thách thức

Chia sẻ
(VOV5) - Sau chuyến công du 3 nước Châu Âu, ngày mai, Tổng thống Mỹ Barak Obama sẽ thăm Saudi Arabia, quốc gia Hồi giáo có 70 năm quan hệ ngoại giao với Mỹ. Lần thứ 2 quay trở lại thăm Trung Đông kể từ năm 2009, Tổng thống Barak Obama mong muốn sẽ làm nóng lại mối quan hệ vốn đang sóng gió giữa 2 nước. Song để đạt được mục đích này, ông chủ Nhà Trắng phải vượt qua những thách thức không nhỏ.
(VOV5) - Sau chuyến công du 3 nước Châu Âu, ngày mai, Tổng thống Mỹ Barak Obama sẽ thăm Saudi Arabia, quốc gia Hồi giáo có 70 năm quan hệ ngoại giao với Mỹ. Lần thứ 2 quay trở lại thăm Trung Đông kể từ năm 2009, Tổng thống Barak Obama mong muốn sẽ làm nóng lại mối quan hệ vốn đang sóng gió giữa 2 nước. Song để đạt được mục đích này, ông chủ Nhà Trắng phải vượt qua những thách thức không nhỏ.


Chuyến công du nhiều thách thức - ảnh 1

Tổng thống Mỹ từng thăm Saudi Arabia tháng 6/2009

Trong chuyến thăm đồng minh lâu năm Saudi Arabia, Tổng thống Mỹ tập trung thảo luận các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có cuộc nội chiến Syria và cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân Iran. Ông Barak Obama cũng sẽ có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) tại trụ sở của tổ chức này ở Riyadh.

Ngổn ngang những bất đồng

Trước thềm chuyến thăm, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney khẳng định Saudi Arabia là một đối tác gần gũi của Hoa Kỳ. Tuy 2 nước có những bất đồng nhưng điều đó cũng không thay đổi được thực tế mối quan hệ hai bên là quan trọng và thân thiết. Phát biểu của người phát ngôn Nhà Trắng dường như là nhằm trấn an dư luận khi trên thực tế quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia vài năm gần đây bị rạn nứt, nếu không muốn nói là xấu nhất trong lịch sử 70 năm 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Quan hệ đồng minh lâu năm giữa Mỹ và Saudi Arabia trở nên căng thẳng kể từ đầu năm 2011 liên quan đến một loạt bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi. Biểu hiện rõ nét là  Saudi Arabia luôn quan ngại về cách giải quyết của chính quyền Mỹ đối với một loạt vấn đề nhạy cảm của khu vực như Iran, Syria, Ai Cập. Năm ngoái, Hoàng thân Turki al-Faisal của Saudi Arabia đã mạnh mẽ chỉ trích chính sách Trung Đông của Hoa Kỳ. Sự chỉ trích này tập trung phần lớn vào chính sách của Tổng thống Barak Obama đối với vấn đề Syria và cuộc thương thuyết về vấn đề hạt nhân Iran.

 

Vì vậy, giới quan sát cho rằng trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, nhiều khả năng Saudi Arabia sẽ tiếp tục công khai đề cập việc Mỹ không cương quyết quy trách nhiệm cho chính phủ Tổng thống Bashar al - Assad về những cái gọi là chống lại người dân Syria, đặc biệt khi Mỹ đột ngột thay đổi quyết định không tấn công quân sự Syria vào mùa Hè năm ngoái.


Saudi Arabia cũng có thể sẽ đề cập việc Washington tiếp tục ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo ở Ai Cập. Đây là vấn đề quan trọng trong bối cảnh Saudi Arabia mới đây đã rút đại sứ của mình ở Qatar về nước nhằm phản đối việc Qatar tiếp tục ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo.

 

Thêm vào đó, thái độ mềm mỏng của Mỹ và phương Tây đối với Iran đã gây ra nhiều quan ngại cho Saudi Arabia cũng như các quốc gia vùng Vịnh. Saudi Arabia không  chỉ lo ngại về tham vọng sở hữu hạt nhân của Tehran mà còn cả việc Iran ủng hộ mạnh mẽ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al – Assad. Saudi Arabia và nhiều quốc gia vùng Vịnh cho rằng Iran đang gây bất ổn cho khu vực, trái ngược với quan điểm của Mỹ.


Một khó khăn nữa với ông Barak Obama khi trở lại Trung Đông lần này là Saudi Arabia dường như đang tìm kiếm sự hợp tác mới từ các quốc gia châu Á thay vì quá chú trọng vào Mỹ như bấy lâu nay. Bằng chứng là việc Hoàng thân Saudi Arabia Salman vừa mới tiến hành chuyến thăm cấp cao đến một loạt các quốc gia như Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản.


Xoa dịu đồng minh



Chính giới Mỹ hiểu rất rõ những bất đồng đang cản trở quan hệ giữa 2 nước. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà trước thềm chuyến thăm Saudi Arabia, ngày 18/3, Washington đã yêu cầu Chính phủ Syria lập tức đóng cửa Đại sứ quán ở thủ đô Washington và các lãnh sự quán ở Michigan, Texas. Những nhân viên làm việc tại các cơ quan ngoại giao này không phải là công dân Mỹ phải rời khỏi Mỹ trước ngày 31/3. 

2 ngày sau (20/3), phát biểu trong buổi tiếp Thứ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia, Thái tử Salman bin Sultan, tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác quân sự song phương đồng thời tái khẳng định cam kết của Washington đối với nền an ninh trong khu vực Trung Đông..

 

Gần đây nhất, 3 ngày trước chuyến thăm, trong cuộc gặp Thái tử Sheikh Mohamed bin Zayed của tiểu vương quốc Abu Dhabi, Tổng thống Barak Obama khẳng định Mỹ sẽ không để các đồng minh lâu đời ở vùng Vịnh cảm thấy bị bỏ rơi.     

Không mấy khó hiểu khi các nhà lãnh đạo Mỹ tìm cách xoa dịu Saudi Arabia và sâu xa hơn là với các quốc gia đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh.


Lịch sử cho thấy quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia là quan hệ vì lợi ích mỗi bên trong từng thời điểm. 70 năm đồng hành, cái bắt tay với Mỹ đã mang đến cho quốc gia Hồi giáo Saudi Arabia một nhà bảo trợ an ninh hùng mạnh. Ngược lại, Washington cũng tìm thấy ở Riyadh nguồn cung cấp dầu mỏ dồi dào và một căn cứ địa đắt giá nhằm duy trì, mở rộng vai trò tại Trung Đông.

 

Vì vậy, với những lợi ích chung và lợi ích riêng, giới quan sát cho rằng chuyến thăm Saudi Arabia sẽ được ông Barak Obama tận dụng triệt để nhằm dẹp bớt những bất đồng dù biết rằng thách thức đặt ra không phải là nhỏ./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu