Chung tay, đồng hành xoa dịu "Nỗi đau da cam"

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Hôm nay, ngày 10/08, kỷ niệm 56 năm ngày thảm họa da cam Việt Nam (10/08/1961-10/08/2017), ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin (10/08). 

Sau 56 năm kể từ ngày quân đội Mỹ rải chất độc da cam lên chiến trường Việt Nam, thảm họa da cam vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của những người trực tiếp tham gia kháng chiến cũng như con, cháu của họ. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với những nạn nhân chất độc da cam và sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng đã giúp nạn nhân da cam vượt qua những khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Chung tay, đồng hành xoa dịu "Nỗi đau da cam" - ảnh 1Các hoạt động ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam được thường xuyên tổ chức trên cả nước (VOV) 

Từ năm 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học xuống gần 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam. Chất độc hóa học đã gây nhiều ảnh hưởng lâu dài tới môi trường, hệ sinh thái và tác động mạnh đến sức khỏe con người.

Còn đó những "Nỗi đau da cam"

4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân của chiến tranh hóa học. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Kết quả nghiên cứu của Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga chỉ rõ chất độc da cam đã gây ra hậu quả y học và sinh học lâu dài không những đối với các cựu chiến binh Việt Nam đã từng tham gia chiến tranh, mà còn cả thế hệ thứ 2, thứ 3 là con em của những người đã bị phơi nhiễm. Thực tế hiện nay cho thấy tại Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang cả thế hệ thứ 4. Đa số nạn nhân  chất độc da cam đều có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, sức khỏe yếu, mức sống thấp so với mặt bằng chung của xã hội.

Nạn nhân da cam/dioxin không đầu hàng số phận, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống

Hoàn cảnh khó khăn là vậy, nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể cũng như sự đồng cảm, chia sẻ của cộng đồng xã hội, các gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin vẫn không ngừng cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Không cam chịu số phận, không cam chịu đói nghèo, nhiều gia đình đã mạnh dạn vay vốn, chủ động tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Bà Nguyễn Thị Ý, ở Bắc Ninh, mẹ của 4 người con là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, bị chứng teo cơ, bại liệt, chia sẻ: "Con tôi được các cấp, ngành, các nhà hảo tâm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi tặng một bộ máy vi tính. Chiếc máy đã góp phần gợi mở để các cháu nghĩ ra ý tưởng cải tạo chiếc xe máy hai bánh thành ba bánh dành cho người khuyết tật. Sau nhiều ngày tháng nỗ lực, cố gắng, cuối cùng chiếc xe cũng được chế tạo, chạy thử nghiệm thành công.

Từ mục đích ban đầu đơn giản là làm được một việc gì đó hữu ích, giờ các cháu đã giúp đỡ được những người đồng cảnh có phương tiện đi lại, đồng thời góp thêm một phần thu nhập phụ giúp kinh tế gia đình. Đến nay, xưởng cơ khí nhỏ của gia đình tôi đã sản xuất được hơn 200 chiếc xe ba bánh các loại chuyển đến khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam."

Xã hội chung tay, đồng hành xoa dịu "nỗi đau da cam"

Cùng với các chế độ, chính sách đặc biệt chăm lo cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) và Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại các tỉnh, thành trong cả nước đã không ngừng vận động các nguồn lực xã hội cùng chung tay, góp sức để giúp đỡ nạn nhân da cam như: sửa nhà, hỗ trợ vốn sản xuất, trợ cấp học bổng cho con cháu nạn nhân, giúp khám chữa bệnh và tặng quà các ngày lễ, tết.

Trong 10 năm trở lại đây, VAVA đã vận động được khoảng gần 1000 tỷ đồng để hỗ trợ cho nạn nhân và có khoảng 60.000 người hưởng lợi từ đó. Hội cũng đã xây dựng được 26 Trung tâm nuôi dưỡng bán trú tại địa phương và đang triển khai xây dựng Trung tâm phía Bắc tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội để nuôi dưỡng nạn nhân là những người già và các con cháu người nhiễm da cam khi họ không nơi nương tựa.

Chung tay, đồng hành xoa dịu "Nỗi đau da cam" - ảnh 2

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết:  "Biện pháp tốt nhất để hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam là trợ vốn sản xuất cho họ. Chúng tôi cho họ vay mỗi gia đình 10 triệu với lãi suất 0% trong khoảng 5 - 7 năm để họ phát triển kinh tế gia đình đi lên. Khi họ đã phát triển được thì họ sẽ chuyển số vốn cho gia đình khác thì cũng tạo nên phong trào rất tốt. Nhiều cá nhân, tổ chức cũng muốn tặng bò, tặng heo... cho họ. Chúng tôi cũng tích cực phối hợp với các kênh truyền thông để làm cầu nối giữa các tấm lòng hảo tâm và gia đình nạn nhân chất độc da cam."

Ở cấp địa phương, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng là một trong số những đơn vị thường xuyên có các hoạt động thiết thực, được các cơ quan trung ương đánh giá cao về hiệu quả của các chương trình hỗ trợ nạn nhân da cam. Ông Trà Thanh Lành, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng (DAVA), cho biết trong 12 năm kể từ ngày thành lập đến nay, DAVA đã vận động trên 85 tỷ đồng để chăm sóc, giúp đỡ cho trên 5.000 nạn nhân, trong đó có 1.400 trẻ em: "Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam thành phố hiện nuôi dưỡng, chăm sóc 150 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tại trung tâm, chúng tôi đã tạo cho các em cái nghề như nghề may, nghề làm nhang, nghề làm hoa, đan cườm... Ngoài chế độ của Nhà nước, chúng tôi cũng vận động hơn 100 suất phụng dưỡng thường xuyên và suốt đời cho nạn nhân từ 100 - 200.000 đồng/tháng."

Mỗi năm DAVA cũng phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa: chương trình nghệ thuật "Đồng hành chia sẻ nỗi đau da cam", "Mùa xuân cho em", "Yêu thương và kết nối"... như những món quà tinh thần giúp các nạn nhân da cam vơi đi nỗi đau.

Theo các chuyên gia nghiên cứu của Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, tác động lâu dài của chất độc da cam/dioxin lên con người và môi trường không chỉ trong 20 năm, mà có thể lên tới trên 100 năm. Số người bị ảnh hưởng của chất độc này tại Việt Nam cũng sẽ không chỉ dừng ở 4,8 triệu người mà có thể là hàng chục triệu người. Bởi vậy, từ nhiều năm qua, việc xoa dịu nỗi đau  da cam không còn là trách nhiệm của riêng cá nhân, tổ chức nào, mà đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Những sự tương trợ, những tấm lòng cảm thông, chia sẻ của toàn cộng đồng, cả trong nước và nước ngoài, chính là những vòng tay nhân ái giúp xoa dịu "Nỗi đau da cam".

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu