Chiến dịch Mậu Thân 1968: Bước ngoặt chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

Dung-Nhung/VOV
Chia sẻ
(VOV5) - Dư luận thế giới và nhân dân Mỹ ngày càng phản đối chiến tranh tại Việt Nam mạnh mẽ, quyết liệt hơn. 

Cách đây 50 năm, đúng vào dịp Tết Mậu Thân 1968, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Việt Nam đã đồng loạt mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại, tạo ra bước ngoặt quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, viết thêm trang sử hào hùng trong lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc  Việt Nam.                                               

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 diễn ra trong bối cảnh đế quốc Mỹ ngoan cố leo thang chiến tranh, thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, đồng thời tiến hành “chiến tranh phá hoại” đối với miền Bắc, hậu phương lớn của cuộc kháng chiến.

Chiến dịch Mậu Thân 1968: Bước ngoặt chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ - ảnh 1Đại tướng Phạm Văn Trà trò chuyện với báo chí về cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968. Ảnh Ngọc Dương./Thannien.vn 

Trong bối cảnh đó, đêm 30 rạng sáng 31/1/1968, quân và dân Việt Nam đã mở cuộc tiến công và nổi dậy vào hầu hết các thành phố, thị xã, căn cứ quân sự...trên toàn miền Nam, đặc biệt là trung tâm Sài Gòn - trung tâm đầu não chính trị, quân sự của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Mặc dù bị tổn thất nhưng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đã làm đảo lộn thế chiến lược của địch trên chiến trường. Trong đó, có những trận gây tiếng vang mạnh mẽ như trận đánh vào tòa Đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Đài phát thanh của ngụy quyền Sài Gòn và 25 ngày đêm làm chủ thành phố Huế… 

Ý nghĩa quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

Cuộc tổng tiến công năm 1968 đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc chiến với Mỹ. Thời điểm ấy, quân đội Mỹ đã hoàn toàn sa lầy trong cuộc chiến tranh với Việt Nam, không thể bình định được miền Nam Việt Nam, cũng không thể rút quân về nước.

Dư luận thế giới và nhân dân Mỹ ngày càng phản đối chiến tranh tại Việt Nam mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Nắm lấy thời cơ này, Bộ Chính trị đã quyết định đánh một trận gây tiếng vang lớn. Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 đã bất ngờ được quyết định như thế để tạo bước ngoặt lớn trong chiến tranh, buộc Mỹ phải xuống thang, đi tới đàm phán Paris. Theo Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 là một thắng lợi rất lớn trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, tiến tới thống nhất đất nước của quân và dân Việt Nam, là tiền đề để từng bước thực hiện lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi chiến dịch diễn ra là “Đánh cho Mỹ cút - Đánh cho ngụy nhào”: Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói dù có đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập tự do. Chúng ta có trận đánh quyết định này buộc Mỹ phải chấp nhận Hiệp định Paris, chấp nhận cả 4 bên là: Mỹ, miền Bắc Việt Nam, nam Việt Nam với Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam.

 

Bài học quý

Chiến dịch Mậu Thân là một minh chứng khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo trong nghệ thuật chiến tranh, làm thất bại nặng nề chiến lược của Mỹ. Cội nguồn chiến lược của cuộc tiến công là "dám đánh, quyết đánh và tìm ra cách đánh ngay vào sào huyệt" đầu não của đối phương. Thiếu tướng Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc học viện chính trị (Bộ quốc phòng) cho rằng: Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã khẳng định sự thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược của Đảng trong xác định phương pháp tiến công táo bạo và cách đánh hoàn toàn mới khi Đảng lựa chọn và quyết định thực hiện phương pháp tấn công đồng loạt với quy mô lớn vào hầu khắp các đô thị, nơi tập trung các cơ quan đầu não chiến tranh của chính quyền Sài Gòn, các trung tâm chỉ huy, hậu cần của đế quốc Mỹ. Chỉ đạo tiến công dưới nhiều hình thức quân sự, chính trị, binh vận ... làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

Chiến thắng của cuộc tổng tiến công là kết quả huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó cũng là bài học về sự kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ, nhân dân thế giới…

Vận dụng bài học, ý nghĩa cuộc tiến công Mậu Thân 1968, cần tiếp tục khẳng định tự lực tự cường, tăng cường hội nhập quốc tế, giữ vững đường lối độc lập, tự chủ. Thiếu tướng Nguyễn Văn Bạo cho rằng: Đánh giá đúng tình hình quốc tế, khu vực và tình thế đất nước trong tình hình mới, nhất là những thời cơ thuận lợi và khó khăn thách thức để hoạch định chính xác chủ trương và chỉ đạo chiến lược thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc phù hợp. Nghiên cứu có hệ thống và toàn diện các mối đe doạ an ninh truyền thống cũng như là an ninh phi truyền thống đối với đất nước. Chủ động chuẩn bị bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột. Chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

50 trôi qua, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 vẫn là dấu ấn quan trọng trong tiến trình giải phóng đất nước. Thành quả của chiến dịch này tạo điều kiện để quân dân Việt Nam giành thắng lợi trên các chiến trường, hoàn thành sự nghiệp thống nhất nước nhà vào năm 1975.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu