Cháy rừng Amazon không còn là chuyện riêng của từng quốc gia

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Amazon là khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới với diện tích gần 7,6 triệu km2.

Ngày 06/09, tại thành phố Leticia, Colombia, diễn ra hội nghị thượng đỉnh của các nước có rừng Amazon, để thảo luận một chính sách chung về việc bảo vệ môi trường và khai thác bền vững trong khu vực. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh vài tuần qua, rừng Amazon, phải gồng mình chống chọi với thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất trong nhiều năm. Thảm họa này được cho là đòn giáng mạnh vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Và giờ đây, cháy rừng Amazon không còn là chuyện riêng của từng quốc gia.

Amazon là khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới với diện tích gần 7,6 triệu km2, trải dài qua các nước Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Suriname và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp. Các đám cháy đáng báo động xảy ra từ cuối tháng 7, nhưng phải mất hơn 3 tuần sau, thế giới mới thực sự nhận ra sự tình nghiêm trọng. Nguyên nhân một phần là từ các yếu tố tự nhiên khi mùa khô tới nhưng cũng do sự bất cẩn của người dân trong quá trình canh tác nông nghiệp.

Cháy rừng Amazon không còn là chuyện riêng của từng quốc gia - ảnh 1Chỉ trong vòng 30 năm trở lại đây, 39,8 triệu ha - tương đương 19% tổng diện tích rừng mưa) đã bị tàn phá.  

Rừng Amzon nhất định phải được bảo vệ

Việc bảo vệ rừng mưa nhiệt đới Amazon được coi là thiết yếu trong cuộc chiến chống tình trạng biến đổi khí hậu vì lượng CO2 khổng lồ mà nó hấp thụ. Amazon tạo ra khoảng 20% lượng ôxy của cả thế giới và thường được gọi là lá phổi của hành tinh. Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên, nếu rừng Amazon bị hủy hoại đến mức không thể cứu vãn được, nó có thể bắt đầu thải ra carbon - tác nhân chính gây biến đổi khí hậu. Thực tế cho thấy những dải rừng mưa rộng lớn đóng vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái thế giới vì chúng hấp thu nhiệt thay vì phản chiếu trở lại bầu khí quyển. Tuy nhiên, với những đám cháy rừng dữ dội, thế giới có thể mất hơn một thế kỷ để hồi phục lại khả năng hút CO2 mà rừng đã mất đi.

Giới chuyên gia thì cho rằng quy mô cháy rừng Amazon đang đẩy nhanh quá trình nóng lên của Trái Đất và trực tiếp nhất là sự đa dạng sinh thái của khu vực. Nhiệt độ toàn cầu dự kiến sẽ tăng thêm từ 0,1 đến 0,2 độ C.

Về khía cạnh sinh thái, khi mất càng nhiều rừng, hậu quả càng đáng sợ. Cây ở Amazon giúp đưa nước từ đất vào bầu khí quyển, tạo ra lượng mưa cần thiết cho các khu vực khác. Đa dạng sinh thái cũng sẽ mất đi. Hàng chục nghìn loài cây, hàng trăm nghìn côn trùng và các dạng sống hoang dã khác trong rừng Amazon sẽ bị ảnh hưởng. Thế giới sẽ mất hàng triệu, hàng triệu động vật.

Cần sự hợp tác đa quốc gia

Tình hình rừng Amazon đã nghiêm trọng đến mức đây không còn là chuyện nội bộ của Brazil hay các nước Nam Mỹ nói chung, mà đã trở thành vấn đề khẩn cấp của quốc tế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi cần bảo vệ rừng Amazon bằng mọi giá. Và một hội nghị về tình trạng hiện tại của rừng Amazon, bên lề kỳ họp Đại hội đồng LHQ, sẽ khai mạc ngày 6/9, tại thành phố Leticia, Colombia, nhằm vạch ra một chính sách chung để bảo vệ rừng Amazon. Ông Antonio Guterres bày tỏ hy vọng “cộng đồng quốc tế hành động mạnh mẽ để hỗ trợ các nước trong khu vực Amazon chấm dứt các đám cháy một cách nhanh nhất có thể bằng mọi phương tiện khả thi và sau đó triển khai một chính sách trồng rừng toàn diện”.

Trước đó, Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra gần đây tại thành phố Biarritz, Tây Nam nước Pháp, đã nhất trí chi 20 triệu euro (tương đương 22 triệu USD) cho rừng Amazon, trong đó chủ yếu là để điều các máy bay cứu hỏa tới khống chế đám cháy đang bao trùm khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này và kế hoạch tái trồng rừng trong trung hạn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người nổi tiếng cứng rắn trong vấn đề môi trường, cũng phải điện đàm với người đồng cấp Brazil để trao đổi về nạn cháy rừng ở Amazon, đồng thời thông báo Mỹ sẵn sàng giúp đỡ quốc gia Nam Mỹ giải quyết đám cháy. Thủ tướng Anh Boris Johnson hứa sẽ trợ giúp 10 triệu bảng Anh (hơn 12 triệu USD) để giúp bảo vệ môi trường sống trong lòng Amazon, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đẩy mạnh nỗ lực cứu các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Rừng Amazon bị cháy trên diện rộng và trong thời gian dài là một thảm họa đối với môi trường sống trên Trái Đất. Hậu quả to lớn mà vụ cháy gây ra là hồi chuông cảnh báo con người cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc khai thác, gìn giữ báu vật thiên nhiên này trước khi quá muộn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu