Cải cách thể chế kinh tế, tiền đề cho sự phát triển bền vững

Hằng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Năm 2020 tiếp tục là năm Việt Nam tái khởi động lại giai đoạn tăng trưởng trên 7% của nền kinh tế. 

Chính phủ Việt Nam bắt đầu năm 2020 bằng sự quyết tâm thúc đẩy cải cách thể chế và thủ tục hành chính ấn tượng, với những cơ chế mới thúc đẩy hoàn thiện và thực thi pháp luật. Động thái này sẽ tác động mạnh mẽ đến hiệu quả của nền kinh tế, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.

Cải cách thể chế kinh tế, tiền đề cho sự phát triển bền vững - ảnh 1

Ảnh minh họa - Nguồn: chinhphu.vn

Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng có những phát biểu quan trọng tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2020 của Chính phủ vào cuối tháng 12/2019, cho thấy sự quan tâm chặt chẽ của lãnh đạo cấp cao đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2020. Sau đó, tổ công tác rà soát pháp luật của Chính phủ được thành lập, tổ công tác thúc đẩy cải cách thể chế sắp ra mắt, được cho là những cơ chế mới thúc đẩy hoàn thiện và thực thi pháp luật hiệu quả hơn.

Cải cách thể chế kinh tế, tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh

Ngay đầu năm 2020, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với các bộ, ban, ngành, các đơn vị liên quan về xây dựng công cụ và kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, sẽ cắt giảm ngay những quy định là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, ngăn chặn việc phát sinh những quy định mới làm tăng chi phí và rào cản cho hoạt động của doanh nghiệp. Mục tiêu cụ thể là cắt giảm ít nhất 20% số lượng văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ; cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh trong mỗi năm (từ năm 2020 đến năm 2025).

Cải cách thể chế kinh tế, tiền đề cho sự phát triển bền vững - ảnh 2

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng - Ảnh: Quang Thương/Chinhphu.vn

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: "Một luật, một pháp lệnh sẽ điều chỉnh một, hay hai nghị định, không để tình trạng ban hành nhiều. Đặc biệt là sẽ hạn chế đến vấn đề sửa một, hai điều trong Nghị định phát sinh ra các văn bản. Cố gắng khoảng tháng 2/2020, ban hành được nghị quyết và kế hoạch này".

Trước đó, năm 2019, Chính phủ ban hành liên tục các Nghị quyết chuyên đề để cải cách môi trường kinh doanh và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Hệ thống pháp luật về kinh doanh của Việt Nam có những bước tiến đáng kể trong tư duy quản lý và cách thức thiết kế chính sách. Theo Cổng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, tính đến hết tháng 11 năm 2019, có gần 270 Thông tư được ban hành, thấp hơn nhiều so với con số từ 500 đến 800 Thông tư của các năm trước đó. Đối với nghị định, cũng mới chỉ có 91 nghị định được ban hành, thấp hơn con số 155 nghị định cùng kỳ năm 2018.

Vấn đề mấu chốt quyết định hiệu quả của nền kinh tế

Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam tăng lên thứ hạng 67, tăng 10 bậc và 3,5 điểm trong năm 2019. Việt Nam cũng được ghi nhận là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu. Đây là kết quả của những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam; trong đó, cải cách môi trường kinh doanh cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp là một trong những yếu tố quyết định.

Cải cách thể chế kinh tế, tiền đề cho sự phát triển bền vững - ảnh 3

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Ảnh: Enternews

Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng: "Động lực tăng trưởng đến nhanh nhất, sớm nhất và được kỳ vọng nhất vẫn là thay đổi về thể chế. Cho nên chúng tôi hy vọng, Đảng và Nhà nước sẽ thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc cải cách thể chế. Và VCCI sẽ tiếp tục là động lực trong quá trình này. VCCI đã đưa ra chương trình khá toàn diện trong việc đề xuất về việc khắc phục ngay những điểm chồng chéo về mặt pháp luật kinh doanh và thúc đẩy thực hiện chương trình cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành cũng như các cải cách khác để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Chúng tôi hy vọng, những điểm đột phá đó sẽ tiếp sức và mở đường cho sự phát triển của doanh nghiệp".

Năm 2020 tiếp tục là năm Việt Nam tái khởi động lại giai đoạn tăng trưởng trên 7% của nền kinh tế. Điều này rất quan trọng đối với việc hướng tới trở thành đất nước phát triển hùng cường theo chiến lược phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước đã đề ra. Và những nỗ lực về cải cách thể chế được cho là yếu tố quan trọng, góp phần để Việt Nam hoàn thành mục tiêu phát triển đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu