Bức tranh kinh tế Việt Nam qua lăng kính truyền thông quốc tế

Hồng Vân (tổng hợp)
Chia sẻ
(VOV5) - Tờ Asia Times cho rằng nhờ vào việc kiểm soát dịch COVID-19 tốt thời gian qua đã giúp nền kinh tế Việt Nam vượt xa phần lớn các nước châu Á khác trong năm 2020. 

Nhiều hãng truyền thông quốc tế có chung nhận định kinh tế Việt Nam năm 2021 tiếp tục có những bước phục hồi tích cực. Việt Nam vẫn là “điểm sáng” khi giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và quyết liệt ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID - 19. 

Bức tranh kinh tế Việt Nam qua lăng kính truyền thông quốc tế - ảnh 1Việt Nam sẽ là quốc gia đi đầu về tăng trưởng trong 2021.  Ảnh: Getty Images

Với những kết quả đạt được trong tăng trưởng kinh tế cũng như phòng, chống dịch COVID - 19 trong năm 2020, Việt Nam đã truyền cảm hứng cho truyền thông quốc tế.

Nhiều hãng thông tấn quốc tế đề cập, phân tích những thành tựu của Việt Nam và tin tưởng Việt Nam sẽ có triển vọng tươi sáng trong năm 2021.

Bức tranh kinh tế Việt Nam qua lăng kính truyền thông quốc tế - ảnh 2Bên trong nhà xưởng của một công ty dệt may ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Reuters

Năm 2021 - năm cơ hội của Việt Nam

Theo Tờ The Straits Times của Singapore, năm 2021 sẽ là năm cơ hội của Việt Nam. Bài viết nhận định năm 2021 có thể là thời điểm đột phá của Việt Nam, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khi các nhà máy trong khu vực vẫn đóng cửa, trong khi nhu cầu đối với các sản phẩm công nghệ, y tế và các sản phẩm khác gia tăng.

Tờ Asia Times thì cho rằng nhờ vào việc kiểm soát dịch COVID-19 tốt thời gian qua đã giúp nền kinh tế Việt Nam vượt xa phần lớn các nước châu Á khác trong năm 2020. Việt Nam dự kiến tăng trưởng GDP trung bình hàng năm là 7% trong 5 năm tới. Mục tiêu của Việt Nam là tiếp tục đẩy mạnh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Theo Nikkei Asia (Nhật Bản), Việt Nam sẽ dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế khu vực trong năm nay. Tờ báo của Nhật Bản trích dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, GDP của Việt Nam năm 2021 có thể tăng trưởng 6,5%. Việt Nam cùng với Indonesia và Malaysia sẽ trở thành những nền kinh tế đầu tiên của Đông Nam Á phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng dương như mức trước đại dịch.

Trong khi đó, tờ The South China Morning Post cho biết mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ là trên 6%. Cùng chung nhận định trên, The Business Times tin tưởng rằng kinh tế Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2021. Tờ báo có trụ sở tại Hồng Công (Trung Quốc) nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại một hội nghị trực tuyến mới đây rằng Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP 6,5% so với mục tiêu 6% mà Quốc hội đề ra cho năm 2021. Từ đó khẳng định triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam càng rõ ràng hơn khi Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian tới.

Nhiều động lực quan trọng

Theo báo The Times of India, Việt Nam đã tự mình viết nên câu chuyện thành công trong ứng phó với sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự tham gia của toàn dân với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực để phòng, chống và kiểm soát thành công dịch bệnh.

Từ đó, quốc gia Đông Nam Á này đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Với tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng 2,91%, Việt Nam vào danh sách số ít nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Đây là thành công lớn của Việt Nam.

Hơn nữa, ngay cả trong một năm 2020 đầy thử thách, Việt Nam vẫn tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng và mạnh mẽ hơn. Với sự dẫn dắt của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác đã chính thức ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế của các nước ASEAN và các đối tác. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có thêm hai hiệp định thương mại tự do quan trọng với Liên minh châu Âu (EVFTA) và với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA).

Quan trọng hơn cả là Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 25/1 đến 1/2/2021 đề ra mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tiếp theo, trong đó năm 2021 là năm bản lề.

Cùng chung nhận định lạc quan, trang mạng Proactive của Anh dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại tốc độ tăng trưởng trên 6% vào năm 2021 do có “nhiều động lực tăng trưởng”. Theo Proactive, sự kiên cường giữa đại dịch đã “giúp nâng cao vị thế của Việt Nam như một đối tác thương mại lớn” và “tiếp thêm động lực” cho các mối quan hệ thương mại của Việt Nam với các quốc gia khác.

Với những động lực quan trọng này, kinh tế Việt Nam năm 2021 tiếp đà phục hồi tích cực và những thành tựu của Việt Nam trở thành cảm hứng cho truyền thông quốc tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu