Brexit vẫn rối như tơ vò

Hồng Vân
Chia sẻ

(VOV5) - Cục diện trên không chỉ cho thấy những rối ren trong tiến trình Brexit  mà còn bộc lộ rõ mâu thuẫn nội tại ngay trong Hạ viện Anh.

Tiến trình đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) ngày càng rối như tờ vò khi các nghị sỹ Anh không tìm được tiếng nói chung với bất kỳ phương án nào được đưa ra bỏ phiếu trong ngày 27/3, thậm chí ngay cả khi Thủ tướng Theresa May chấp nhận từ chức nếu các nghị sỹ ủng hộ thỏa thuận Brexit. Trong bối cảnh đó, cuộc bỏ phiếu chiều 29/3 (giờ địa phương) về một phần của thỏa thuận rút khỏi EU nhiều khả năng cũng không tránh khỏi thất bại. Cục diện trên không chỉ cho thấy những rối ren trong tiến trình Brexit  mà còn bộc lộ rõ mâu thuẫn nội tại ngay trong Hạ viện Anh.

Cuộc bỏ phiếu tại nghị viện chiều 29/3 xoay quanh quyền của các công dân Anh và EU, kế hoạch chốt chặn Ireland. Các vấn đề trong tuyên bố chính trị gồm tương lai mối quan hệ Anh-EU như hai lần bỏ phiếu trước sẽ không đưa ra bỏ phiếu ngày 29/3. 

 Vòng luẩn quẩn

Ngay sau khi giành quyền điều hành tiến trình đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu từ Chính phủ, dư luận quốc tế chứng kiến những tranh luận rất căng thẳng tại Hạ viện Anh nhằm tháo gỡ bế tắc cho tiến trình Brexit. Nhiều phương án đã được đưa ra nhưng rút cục là cả 8 đề xuất mới về Brexit đều bị bác bỏ. Đáng chú ý, cả 8 đề xuất này đều do các nghị sỹ đưa ra và rồi chính họ lại không bỏ phiếu thông qua. Kết quả này cho thấy nghị sỹ Anh không chỉ chống lại các ý định từ chính phủ Anh mà giờ còn chống lại cả mọi ý định trong chính nội bộ của mình. Nói cách khác, tiến trình Brexit hiện nay rối như tơ vò có 1 phần không nhỏ là do sự mâu thuẫn giữa các nghị sỹ. Thực tế trên cũng khiến dư luận phải đặt câu hỏi: thực sự thì các nghị sỹ Anh muốn gì?

Còn nhớ, trước khi mâu thuẫn giữa các nghị sỹ bộc lộ rõ, Thủ tướng Anh Theresa May đã hai lần thất bại khi nỗ lực tìm cách thúc đẩy Hạ viện cho thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit mà bà đã đàm phán với EU.

Brexit vẫn rối như tơ vò  - ảnh 1

Ảnh minh họa: TTXVN

Trong bối cảnh chẳng mấy sáng sủa trên, Hạ viện Anh chiều 29/3 lại cho phép  tiến hành bỏ phiếu về một phần của thỏa thuận rút khỏi EU mà chính phủ đã nhất trí với EU trước đây như "hóa đơn li dị", "các quyền của các công dân" Anh và EU, kế hoạch chốt chặn Ireland (vấn đề gây tranh cãi nhất). Tuy vậy, cho đến tối 28/3, các nghị sỹ của đảng Dân chủ Hợp nhất (DUP) và khoảng 30 nghị sỹ Bảo thủ vẫn tuyên bố sẽ bỏ phiếu bác lại nội dung bỏ phiếu ngày 29/3. Lãnh đạo  Công đảng đối lập Jeremy Corbyn thì cho biết Công đảng sẽ không bỏ phiếu thuận cho thỏa thuận rút khỏi EU vì họ không thể bỏ phiếu đồng ý  Anh rời EUmà không biết tương lai quan hệ giữa Anh và EU sẽ như thế nào.

Nếu thực tế diễn ra đúng như những gì các nghị sỹ tuyên bố, có thể nói việc Anh rời Liên minh châu Âu sẽ là 1 vòng tròn luẩn quẩn, không bao giờ đi tới kết luận cuối cùng. Thậm chí, nhiều phương tiện truyền thông còn ví von rằng thỏa thuận Anh rút khỏi EU (dài 585 trang, là thỏa thuận "li dị" có tính ràng buộc pháp lý giữa EU và Anh) hiện đang trong tình trạng "hôn mê."

 Người dân Anh mất dần kiên nhẫn

Tiến trình Brexit dậm chân tại chỗ không chỉ cho thấy mâu thuẫn ngay trong Hạ viện Anh mà còn khiến chính người dân Anh mất kiên nhẫn. Cuối tuần qua, London đã chứng kiến cuộc biểu tình quy mô lớn nhất trong nhiều thập niên với hơn 1 triệu người tham gia cùng vô vàn khẩu hiệu kêu gọi chấm dứt tiến trình Brexit.

Trong khi đó, yêu cầu đình chỉ thi hành Brexit cũng trở thành kiến nghị trực tuyến có số người ủng hộ lớn nhất trong lịch sử nước Anh chỉ trong hai ngày (21 - 22/3), và chạm mốc 3 triệu chữ ký vào ngày 22/3. Đơn kiến nghị trực tuyến này được đăng lên website của quốc hội Anh từ hôm 21/3 và nhanh chóng thu hút chữ ký ủng hộ của các công dân Anh. Có những lúc có tới gần 2.000 người ký đơn kiến nghị trong một phút, khiến trang web nhiều lần bị sập khi không chịu nổi lượng truy cập kỷ lục.

Giới phân tích cho rằng trong khi các nghị sỹ cứ xoay nhau trong mớ bùng nhùng chỉ trích, hoàn toàn có khả năng sẽ lại nổ ra nhiều cuộc biểu tình tương tự với quy mô lớn hơn, không phải chỉ riêng tại London mà ở nhiều nơi khác.

Cử tri Anh đã bỏ phiếu lựa chọn Brexit (tháng 6/2016) vì nghĩ rằng như thế sẽ có lợi cho nước Anh. Tuy nhiên, sau gần 3 năm kể từ ngày bỏ phiếu rời EU, tiến trình Brexit giờ đây đang chìm trong vòng luẩn quẩn. Bế tắc hiện nay chỉ được tháo gỡ khi các nghị sỹ Anh cùng đồng lòng giải quyết được mâu thuẫn về Brexit tại chính Hạ viện.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu