Brexit ngày càng phức tạp

Chia sẻ
(VOV5) -Một lần nữa dư luận lại chứng kiến chính trường Anh dậy sóng sau khi hạ viện (ngày 15/1) bác bỏ thỏa thuận sơ bộ về sự ra đi của nước Anh khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Kết quả này tuy không gây bất ngờ song đã tạo thêm rào cản mới cho quá trình Anh chia tay EU.

Một tâm lý bi quan đang bao trùm cả Anh và châu Âu sau động thái mới nhất của Hạ viện Anh. Giờ đây, những khó khăn là điều mà người ta nói đến thay vì những suy nghĩ lạc quan, tích cực.

Thất bại lịch sử của Chính phủ Anh

Trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện về thỏa thuận sơ bộ Anh rời khỏi EU (Brexit) mà Thủ tướng Anh Theresa May đạt được với EU, đã có 432 nghị sĩ bỏ phiếu chống, cao hơn hẳn con số 202 nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận. Số phiếu chênh lệch quá lớn, 230 phiếu, là kết quả nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều chính khách.

Brexit ngày càng phức tạp - ảnh 1 Quốc kỳ Anh và cờ Liên minh Châu Âu. Ảnh minh họa/TTXVN

Kết quả bỏ phiếu không chỉ là thất bại lớn nhất trong lịch sử hiện đại với một Chính phủ Anh tại Hạ viện mà còn cho thấy sự bất đồng ngày càng lớn trong chính giới Anh về thỏa thuận Brexit và là thước đo mức độ phản ứng của các nghị sĩ Anh với những điều khoản trong dự thảo thỏa thuận Brexit. Đáng chú ý, có tới hơn 100 nghị sĩ thuộc Đảng Bảo thủ của bà May, gồm cả những người ủng hộ Brexit lẫn những người không ủng hộ, đã bỏ phiếu bác nội dung thỏa thuận (chủ yếu là điều khoản liên quan đến đến đường biên giới với Bắc Ireland). Rõ ràng, nữ Thủ tướng Anh đã không nhận được sự hậu thuẫn của chính các nghị sỹ trong nội bộ Đảng Bảo thủ. Nhiểu ý kiến cho rằng kết quả bỏ phiếu là mốc cao trào trong hai năm hỗn loạn chính trị kể từ sau khi nước Anh tiến hành trưng cầu ý dân về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).

Châu Âu hoang mang

Không chỉ tại Anh, quả thực đến thời điểm này, tiến trình Brexit cũng khiến giới chức châu Âu hoang mang, đưa ra những thông điệp trái ngược. Ngày 16/1, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo không còn nhiều thời gian để tìm ra giải pháp cho việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và "thời gian cho cuộc chơi đã kết thúc". Trong khi đó, Bộ trưởng Pháp phụ trách các vấn đề châu Âu, Nathalie Loiseau, lại để ngỏ khả năng EU chấp nhận lùi thời hạn này nếu London đưa ra đề xuất. Bà Loiseau khẳng định về pháp lý và kỹ thuật thì điều này hoàn toàn có thể xảy ra, song Anh cần phải đưa ra đề nghị và cần phải có sự đồng thuận từ tất cả 27 thành viên khác của EU. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh bản thỏa thuận sơ bộ về Brexit mà Anh và giới chức EU nhất trí là duy nhất và không thể xem xét lại. Trái ngược với quan điểm trên, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, Michel Barnier, khẳng định khối này sẵn sàng thảo luận với Anh về một thỏa thuận khác, song chỉ khi London thay đổi những yêu cầu cốt lõi của mình.

Không bỏ cuộc

Cho dù thất bại trong việc thuyết phục Hạ viện thông qua thỏa thuận sơ bộ về Brexit song Thủ tướng Anh Theresa May luôn khẳng định cam kết sẽ đưa Anh rời khỏi EU theo mong muốn của các cử tri nước này. Ngay sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ Viện tối 16/1 (cuộc bỏ phiếu diễn ra sau khi Hạ viện bác thỏa thuận sơ bộ Brexit), bà May đã gặp gỡ với lãnh đạo các đảng phái chính trị khác nhau của Anh, nhằm thúc đẩy việc thỏa thuận Brexit sẽ được các nghị sĩ thông qua trong lần trình tới. Những nghị sĩ đứng đầu Công đảng, đảng Dân chủ Tự do, đảng SNP và đảng Plaid Cymru tham dự cuộc họp. Thủ tướng Anh đánh giá cuộc họp mang tính xây dựng và cho biết từ ngày 17/1, cuộc gặp với những nghị sĩ bảo thủ theo phái hoài nghi châu Âu được xúc tiến để thảo luận về những đề xuất đối với Brexit.

Trong khi đó, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét các kế hoạch trì hoãn việc Anh rời khỏi khối này cho đến năm 2020. Kế hoạch trước đó được cân nhắc là hoãn Brexit trong vòng 3 tháng từ thời điểm 29/3 sang thời điểm cuối tháng 6 tới. Tuy nhiên, hiện giới chức EU đang nghiên cứu những lộ trình pháp lý để trì hoãn Brexit cho đến năm 2020.

Dù tiến trình Anh rời EU được trì hoãn hay không thì việc Hạ viện Anh bỏ phiếu phản đối thỏa thuận sơ bộ về Brexit, văn kiện mà khó khăn lắm Thủ tướng May và EU mới đạt được sự đồng thuận, đã khiến tương lai của thỏa thuận này trở nên khó đoán định, thậm chí đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ. Nó cũng cho thấy việc Anh rời EU theo cách có lợi cho cả 2 bên, thực sự là quá trình không dễ dàng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu