Bảo vệ quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Trong nỗ lực bảo vệ quyền con người trước tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đặc biệt chú ý đến quyền của trẻ em, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, trước những tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan. 

(VOV5) - Biến đổi khí hậu đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Trong nỗ lực bảo vệ quyền con người trước tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đặc biệt chú ý đến quyền của trẻ em, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, trước những tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan. Điều này cũng được đại diện Việt Nam nêu ra như một kinh nghiệm thực tiễn tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 34 của Hội đồng Nhân quyền, diễn ra từ ngày 28/2- 24/3/2017, tại Geneva, Thụy Sỹ. 

Bảo vệ quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc (bên phải) và đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao khóa 31 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)

Theo các kịch bản về biến đổi khí hậu của Chính phủ Việt Nam, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình năm sẽ tăng khoảng trên 2oC so với nhiệt độ ở những thập kỷ cuối của thế kỷ 20. Đến năm 2100, ước tính số đợt nóng sẽ tăng gấp đôi, tổng lượng mưa hàng năm sẽ tăng lên và khả năng những đợt mưa cực lớn và lũ lụt cũng sẽ tăng lên.

Trẻ em thuộc nhóm đối tượng bị tổn thương nhiều nhất

Việt Nam đứng thứ 13 trong tổng số 170 nước được cho là dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động của biến đổi khí hậu trong vòng 30 năm tới và là một trong số 16 nước “có nguy cơ cao nhất” do tỷ lệ nghèo đói cao, dân cư đông đúc, dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu, phụ thuộc vào đất nông nghiệp dễ bị ngập lụt và hạn hán. Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba trung tâm “có nguy cơ cao” trên thế giới về số dân có nguy cơ bị mất chỗ ở do nước biển dâng. Đến năm 2050, khu vực này ước tính có khoảng một triệu người có nguy cơ mất chỗ ở.

Bảo vệ quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu - ảnh 2
Ảnh minh họa. Nguồn: moitruong.com.vn

Cũng như ở các nước đang phát triển khác, trẻ em Việt Nam nằm trong số những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu dù các em là những người ít liên quan nhất đến những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Các loại nguy cơ về biến đổi khí hậu mà trẻ em gặp phải rất đa dạng bao gồm từ những ảnh hưởng trực tiếp về mặt thể chất như lốc xoáy, bão tố và nhiệt độ tăng giảm đột ngột cho tới những ảnh hướng về giáo dục, căng thẳng tâm lý và những khó khăn về dinh dưỡng. Như vậy, biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến quyền trẻ em từ nhiều góc độ, kể cả sức khỏe, tính mạng, tiếp cận giáo dục, y tế, kinh tế gia đình...

Xây dựng chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu lấy trẻ em là trung tâm

Xây dựng chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu lấy trẻ em là trung tâm là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, tại phiên thảo luận cấp cao về tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền trẻ em ngày 2/3/2017 tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh ba nội dung mà Việt Nam ưu tiên trong việc đảm bảo quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu. Đó là: xây dựng các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu lấy trẻ em làm trung tâm, nâng cao nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu đối với trẻ em và tăng cường hợp tác quốc tế, khu vực trong việc ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu đối với trẻ em.

Trong thực tiễn,Việt Nam đã lồng ghép các nội dung về quyền trẻ em trong chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu, coi trọng việc xử lý tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền trẻ em trong tiến trình thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Việt Nam cũng nỗ lực hợp tác với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các đối tác trong xây dựng chiến lược giảm thiểu rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm. Việt Nam cũng tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của trẻ em về biến đổi khí hậu, khuyến khích trẻ em thực sự tham gia, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai. Một trong những điểm sáng của vấn đề này là Việt Nam đã nỗ lực huy động nhà trường, gia đình và toàn xã hội trang bị cho trẻ em những kiến thức cơ bản về môi trường, biến đổi khí hậu, cũng như những kỹ năng cần thiết để giảm thiểu rủi ro do thiên tai.

Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu với quyền trẻ em là sự tiếp nối sáng kiến mà Việt Nam đã đưa ra tại Hội đồng nhân quyền khi còn là thành viên trong nhiệm kỳ 2014-2016. Đây cũng là nội dung ưu tiên hàng đầu của Việt Nam hiện nay, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước những thách thức nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu