ASEAN: Thách thức và tầm nhìn tương lai

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Tầm nhìn 2025 mở ra rất nhiều cơ hội cho Cộng đồng ASEAN phát triển toàn diện, hội nhập sâu rộng hơn để có khả năng tự cường lớn hơn và có ảnh hưởng ở khu vực và toàn cầu lớn hơn.

Năm 2017 đánh dấu chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông – Nam Á (ASEAN), nay là Cộng đồng ASEAN. Với một khu vực khác biệt về thể chế chính trị, về trình độ phát triển và đa dạng văn hóa như ASEAN thì những thành tựu mà khối này đạt được trong 50 năm qua được xem là một kỳ tích. Bước vào năm thứ 51, trước sự chuyển dịch địa chính trị ngày càng mạnh mẽ ở khu vực và thế giới, ASEAN tiếp tục phát huy tinh thần văn hoá hiệp thương, tham vấn đồng thuận kết tinh trong phương cách ASEAN, xây dựng một tầm nhìn ASEAN phát triển bền vững, bao trùm.

ASEAN: Thách thức và tầm nhìn tương lai - ảnh 1Ảnh minh họa: TTXVN

50 qua, ASEAN đã tiến tới một Cộng đồng hội nhập sâu rộng và có tính cạnh tranh cao, đoàn kết nhân dân 10 nước Đông Nam Á có trách nhiệm về xã hội. Cùng với việc hình thành Cộng đồng, ASEAN đã xây dựng được Tầm nhìn 2025 hướng tới một khu vực tự cường, dựa trên luật lệ và lấy người dân làm trọng tâm, đóng vai trò ngày càng lớn trong việc xử lý các vấn đề khu vực và toàn cầu. Có thể nói đây là dấu mốc quan trọng nhất trong lịch sử hình thành 50 năm qua của ASEAN.  

Nhận diện thách thức trên con đường hội nhập

Tầm nhìn 2025 mở ra rất nhiều cơ hội cho Cộng đồng ASEAN phát triển toàn diện, hội nhập sâu rộng hơn để có khả năng tự cường lớn hơn và có ảnh hưởng ở khu vực và toàn cầu lớn hơn. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội đó thì ASEAN phải vượt qua rất nhiều thách thức. Khi ASEAN xây dựng cộng đồng dựa trên luật lệ thì hệ thống luật pháp của các nước còn tồn tại nhiều khác biệt, điều này có phần làm hạn chế việc thực hiện các cam kết và thỏa thuận chung. Chỉ ra những thách thức mà ASEAN gặp phải, nguyên Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng: “Thu nhập bình quân đầu người của nước giầu nhất trong ASEAN cao hơn gấp 43 lần thu nhập bình quân đầu người của nước nghèo nhất. Hiểu biết người dân ASEAN, doanh nghiệp ASEAN còn hạn chế. ASEAN tiếp tục chính sách dựa trên chủ nghĩa khu vực mở, ủng hộ toàn cầu hoá, tự do hoá thương mại nhưng trên thế giới đang xu hướng chống toàn cầu hoá, bảo hộ mậu dịch. đặc biệt xu hướng xuất hiện tại các nước kinh tế lớn đối tác ASEAN. Và đây là những thách thức của ASEAN trong việc xây dựng cộng đồng phát triển bao trùm”.

Bên cạnh đó, những diễn biến phức tạp trong khu vực, nhất là những hành động đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông có nguy cơ đe dọa sự đoàn kết của ASEAN, gây bất ổn khu vực.

Nỗ lực hiện thực hóa “Tầm nhìn 2025”

Hiện, ASEAN đang ở vào một giai đoạn phát triển mới. Ðể hiện thực hóa "Tầm nhìn ASEAN 2025", ASEAN đang nỗ lực vượt qua những thách thức và những bài học thành công của 50 năm qua sẽ giúp ASEAN tiếp tục chèo lái thành công đoàn tàu hội nhập trong tương lai.

Theo đó, ASEAN tiếp tục xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN thực sự gắn kết, vững mạnh và phát triển thịnh vượng. Ðây là lợi ích chiến lược lâu dài của tất cả các nước thành viên ASEAN, đòi hỏi trách nhiệm đóng góp của tất cả các nước thành viên trong việc không ngừng tăng cường đoàn kết, thống nhất và liên kết nội khối. Nguyên Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định: “Để vượt qua những thách thức đó, các nước ASEAN cần đẩy nhanh quá trình hài hóa các hệ thống luật pháp quốc gia, xử lý cân bằng giữa các lợi ích trước mắt, ngắn hạn của quốc gia và lợi ích chung, lợi ích lâu dài của cả cộng đồng, tăng cường văn hóa thực thi. Huy động và sử dụng các nguồn lực nội khối và từ các đối tác  để triển khai hiệu quả các biện pháp dự án, thu hẹp khoảng cách phát triển”.

Cùng với đó, để đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực, ASEAN chủ động đẩy mạnh hợp tác, hình thành các chuẩn mực, cơ chế và công cụ hữu hiệu để đối phó các thách thức, ngăn ngừa xung đột và giải quyết các tranh chấp phù hợp luật pháp quốc tế. Bên cạnh thúc đẩy các cơ chế hợp tác sẵn có như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), ASEAN + 3, ADMM+, ASEAN thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất và có hiệu lực pháp lý, giúp tháo ngòi nổ căng thẳng liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Việt Nam đặt ưu tiên cao trong hợp tác ASEAN

Trong hơn 22 năm qua, dù là thành viên đến sau nhưng Việt Nam đã nỗ lực hết sức mình, tham gia với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, góp phần duy trì và thúc đẩy một trật tự ở Ðông Nam Á dựa trên các quy tắc của khu vực và phù hợp luật pháp quốc tế. Việt Nam luôn coi ASEAN là ngôi nhà chung, đặt ưu tiên cao quan hệ với các nước thành viên, gắn bó hài hòa lợi ích quốc gia của Việt Nam với lợi ích của cả khu vực và định hướng trong thời gian tới tiếp tục là như vậy.

Hợp tác, liên kết ASEAN là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược của Việt Nam và Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên biến thành hiện thực các mục tiêu cao cả của Cộng đồng ASEAN, đó là một Cộng đồng phồn vinh, thống nhất trong đa dạng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu