ASEAN quyết tâm hồi phục kinh tế hậu Covid-19

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai cụ thể tập trung vào 3 giai đoạn chính, gồm tái mở cửa, phục hồi và tự cường.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 đang diễn ra tại Hà Nội, dưới hình thức trực tuyến.

Một điểm đáng chú ý tại Hội nghị lần này là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo thông qua và công bố số lượng văn kiện hợp tác nhiều nhất từ trước tới nay.

Trong đó, nội dung nhiều văn kiện tập trung nội dung vào phục hồi nền kinh tế ASEAN sau đại dịch Covid-19, tăng cường hợp tác, kết nối về thương mại, đầu tư, di chuyển của người dân trong khu vực cũng như với các nước đối tác.

ASEAN quyết tâm hồi phục kinh tế hậu Covid-19 - ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố kết quả Đánh giá giữa kỳ các Kế hoạch tổng thể Cộng đồng ASEAN 2025 - Ảnh: cand.com.vn

Đại dịch COVID-19 không chỉ tạo ra cuộc khủng hoảng về y tế mà còn tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội toàn cầu mà ở đó không có quốc gia nào miễn nhiễm trước tác động của đại dịch. Các quốc gia trên thế giới đã chứng tỏ nội lực, sức chống chịu và khả năng đổi mới. Trong nỗ lực ấy, ASEAN là ví dụ điển hình khi hành động nhanh chóng với cam kết chính trị ở cấp cao nhất.

Thông qua Khung phục hồi tổng thể ASEAN

Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai cụ thể tập trung vào 3 giai đoạn chính, gồm tái mở cửa, phục hồi và tự cường.

Theo đó, các kế hoạch duy trì ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng, đẩy mạnh kết nối và khôi phục giao thương trong khu vực đang được khẩn trương thúc đẩy. ASEAN sớm hình thành khuôn khổ đi lại an toàn cho doanh nhân, nhà đầu tư trong bối cảnh Covid-19. Trước mắt, ASEAN có thể xem xét mở lại lối đi chung cho công dân ASEAN tại các cửa khẩu. Quyết tâm này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 khẳng định tại phiên khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37: "Chúng ta cần đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, việc làm và sinh kế cho người dân. Các Hội đồng Cộng đồng ASEAN khẩn trương bắt tay thực hiện Khung phục hồi tổng thể của ASEAN và Kế hoạch triển khai ngay sau Hội nghị này. Góp phần tái định hình thế giới sau COVID-19, ASEAN cần xác lập vị trí của mình trong sự dịch chuyển sức mạnh kinh tế-chính trị giữa các quốc gia cũng như những điều chỉnh của chuỗi sản xuất-cung ứng toàn cầu. Lợi thế cạnh tranh sẵn có của ASEAN cần được bổ sung thêm các giá trị của khoa học công nghệ tiên tiến, năng lực chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như khả năng đa dạng hóa các thị trường đầu vào và đầu ra".

ASEAN quyết tâm hồi phục kinh tế hậu Covid-19 - ảnh 2

ASEAN thống nhất thành lập Kho dự phòng vật tư y tế để nâng cao năng lực ứng phó chung đối với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp - Ảnh: cand.com.vn

Cùng với việc thông qua Khung phục hồi tổng thể của ASEAN cùng Kế hoạch triển khai, các nhà lãnh đạo ASEAN chính thức lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực và thúc đẩy vận hành Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 để hỗ trợ hiệu quả các nhu cầu chống dịch của khu vực. Những biện pháp này giúp ASEAN tăng cường tính cạnh tranh, khôi phục chuỗi cung ứng và dịch vụ bị gián đoạn và từng bước phục hồi bền vững trong trung hạn và dài hạn.

RCEP tạo động lực mạnh mẽ cho sự hồi phục kinh tế của các nước ASEAN

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 cũng hiện thực hóa Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bằng việc hoàn tất đàm phán và ký kết. RCEP là một trong 13 mục tiêu ưu tiên của năm ASEAN 2020, được tất cả các nước quan tâm và tập trung nguồn lực cao nhất để kết thúc đàm phán và đi đến ký kết.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn quan chức cấp cao ASEAN-Việt Nam, RCEP sẽ là động lực mạnh mẽ cho sự hồi phục và phát triển kinh tế của các nước ASEAN hậu Covid-19. Khi đi vào thực thi, RCEP sẽ hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay với GDP hơn 28.500 tỷ USD, chiếm 32,7% GDP toàn cầu. Việc ký kết RCEP khẳng định quyết tâm mạnh mẽ về tự do hóa thương mại và liên kết của ASEAN và các đối tác.

ASEAN quyết tâm hồi phục kinh tế hậu Covid-19 - ảnh 3

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn quan chức cấp cao ASEAN-Việt Nam - Ảnh: baoquocte.vn

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết: "Các nước liên quan đã mất rất nhiều năm để đàm phán, thương lượng về RCEP để thấy rằng, tầm quan trọng của hiệp định này có ý nghĩa rất lớn đối với khu vực, nhất là trong bối cảnh thế giới đang bị ảnh hưởng rất nhiều do đại dịch COVID-19. Vì vậy, việc ký kết được RCEP sẽ tạo nên một sức bật mới, một cú hích mới cho sự phát triển thương mại trong khu vực, đặc biệt là các nước tham gia ký kết. Điều này có ý nghĩa rất lớn với Việt Nam nói riêng, khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và góp phần giúp đạt được thỏa thuận để đi đến ký kết RCEP".

Trên nền bức tranh nhiều gam màu của thế giới, những điểm sáng về hợp tác trong việc đối phó với các thách thức đang được ghi nhận ở Châu Á-Thái Bình Dương với vai trò tiên phong nòng cốt của ASEAN. Trong năm 2020, các nước ASEAN đều đã thể hiện bản lĩnh và quyết tâm vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Những cam kết chính trị mạnh mẽ từ Hội nghị lần này sẽ là định hướng để ASEAN hành động, ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19, đẩy mạnh phục hồi kinh tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu