APPF 26: dấu mốc mới trong hợp tác liên nghị viện

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - APPF 26 kết thúc với những dấu ấn quan trọng, xác định một tầm nhìn mới, vị thế mới của cơ chế hợp tác nghị viện khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Hội nghị thường niên APPF - 26 do Quốc hội Việt Nam lần thứ 2 đăng cai tổ chức đã đạt được những thành công ấn tượng. Các Nghị quyết, Tuyên bố được thông qua cũng như nội dung các cuộc thảo luận đã cho thấy vai trò của các nghị viện trong tiến trình thực hiện những cam kết quốc tế để bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển bền vững, vì lợi ích của nhân dân trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

APPF 26: dấu mốc mới trong hợp tác liên nghị viện - ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Hội nghị APPF-26

APPF - 26 đã thông qua 17 văn kiện với sự đồng thuận cao của đoàn đại biểu các nghị viện thành viên, trong đó nổi bật là Tuyên bố Hà Nội về tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á- Thái Bình Dương. Hội nghị cũng ghi nhận sự ủng hộ của nghị viện các nước thành viên cho vai trò chủ  nhà của Việt Nam

Tuyên bố Hà Nội - tầm nhìn mới cho hợp tác liên nghị viện khu vực

Việc Việt Nam đăng cai APPF - 26 đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Diễn đàn, đồng thời ra Tuyên bố Hà Nội mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặt nền móng hợp tác mới, định ra tầm nhìn mới cho sự phát triển của diễn đàn trong tương lai. Trước đó, APPF đã có 4 Tuyên bố nền tảng, đánh dấu mỗi giai đoạn phát triển mang tính bước ngoặt của diễn đàn hợp tác nghị viện khu vực này.

Tuyên bố Hà Nội “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương” nêu bật các định hướng cho quan hệ đối tác nghị viện khu vực với sự khẳng định hòa bình, ổn định và an ninh là điều kiện tiên quyết, nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững. Tuyên bố cam kết tiếp tục tinh thần của các Tuyên bố APPF trước đây, hỗ trợ và phát huy được những kết quả của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) với việc ủng hộ và pháp luật hóa những cam kết mà APEC đạt được. APPF phát huy được vai trò giám sát của nghị viện để bảo đảm các định hướng chung của khu vực được hiện thực hóa.

Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu đánh giá: "Thành công lớn của APPF là thông qua Tuyên bố Hà Nội. Dấu ấn của Tuyên bố Hà Nội là kế thừa những tuyên bố trước đây, đặc biệt đánh giá lại kết quả sau 25 năm hình thành và phát triển hay nói cách khác ta chọn sự hợp tác vì hòa bình và phát triển của từng quốc gia khu vực  châu Á - Thái bình Dương. Từ định hướng đúng đắn này, tuyên bố Hà nội tiếp tục phát triển ở 1 giai đoạn mới sâu rộng hơn, đặc biệt là từ nay đến 2030. Tuyên bố bám sát các chủ đề chính: an ninh - chính trị, kinh tế - thương mại, hợp tác khu vực".

Bước tiến mới về bình đẳng giới

Dấu ấn đáng chú ý của APPF 26 là việc đã chính thức hóa vai trò của các nữ nghị sỹ. Hội nghị đã sửa đổi quy chế APPF, đưa Hội nghị Nữ nghị sỹ trở thành một cơ chế chính thức tại các Hội nghị thường niên của APPF. Đây là nỗ lực chung của tất cả các nước thành viên trên cơ sở sáng kiến của Nhật Bản nhằm thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung.

APPF 26: dấu mốc mới trong hợp tác liên nghị viện - ảnh 2

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ký Thông cáo chung của hội nghị

Trưởng đoàn Nhật Bản Takuji Yanagimoto, Chủ tịch danh dự APPF, cho rằng: "Tôi đánh giá cao ý nghĩa của việc đưa Hội nghị nữ nghị sỹ trở thành hoạt động chính thức của APPF. Điều này giúp đẩy mạnh hơn nữa vai trò của nữ nghị sỹ. Tôi rất vui vì sự thay đổi này trong quy chế APPF. Đây thực sự là hòn đá tảng trong hoạt động của APPF".

Ngoài vấn đề bình đẳng giới, tại APPF 26 nhiều chủ đề thời sự được đưa ra thảo luận, đó là đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững...Các nghị viện đã chỉ ra tầm quan trọng của việc giải quyết tận gốc nguyên nhân của những vấn đề này bằng các chính sách, pháp luật và sự phân bổ nguồn lực cụ thể. Sau Hội nghị này, nghị viện các nước thành viên APPF sẽ triển khai thực hiện các cam kết đã thông qua; nhấn mạnh, điều quan trọng là “phải đưa được các cam kết này vào thực tế ở mỗi nước”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: "Quốc hội Việt nam sẽ xem xét phê chuẩn những Hiệp định đã ký kết theo đúng cam kết quốc tế và rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật để đảm bảo rằng Việt Nam đã nội luật hóa tất cả những vấn đề mà Việt Nam đã cam kết. Chúng tôi sẽ xem cần phải sửa đổi, bổ sung những vấn đề gì mà trong quá trình hội nhập cam kết và thông qua những tuyên bố, những thông cáo hội nghị khu vực như thế này thì Việt Nam sẽ thực hiện đúng trách nhiệm của nước thành viên".

APPF 26 kết thúc với những dấu ấn quan trọng, xác định một tầm nhìn mới, vị thế mới của cơ chế hợp tác nghị viện khu vực châu Á – Thái Bình Dương sau 1/4 thế kỷ hình thành và phát triển. Kết quả này cũng góp phần đưa khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển ổn định, thịnh vượng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu