20 năm đồng hành cùng Việt Nam phát triển

Ánh Huyền- Thành Chung
Chia sẻ
(VOV5)- 20 năm trước, khi cộng đồng tài trợ quốc tế chính thức nối lại viện trợ, Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo, kém phát triển, đang trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới. 20 năm sau, Việt Nam, nhờ nội lực của chính mình, đồng thời nhờ việc sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ ODA của cộng đồng quốc tế, đã trở thành quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình.

(VOV5)- Cách đây gần 20 năm, ngày 8/11/1993, Hội nghị bàn tròn về viện trợ phát triển chính thức (ODA) dành cho Việt Nam đã được tổ chức tại Paris, Pháp. Sự kiện quan trọng này chính thức đánh dấu sự mở đầu mối quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam trên đường đổi mới với các nhà tài trợ quốc tế. 20 năm, từ một nước nghèo, kém phát triển, Việt Nam, nhờ nội lực của chính mình, đồng thời nhờ việc sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ ODA của cộng đồng quốc tế, đã trở thành quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình.

20 năm đồng hành cùng Việt Nam phát triển - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm Quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ. Ảnh: VCCI

Sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính
Con số mà Bộ Kế hoạch đầu tư công bố tại Lễ kỷ niệm 20 năm hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ, diễn ra ngày 17/10 tại Hà Nội cho thấy, 20 năm qua, tổng giá trị vốn ODA cam kết của các nhà tài trợ dành cho Việt Nam đạt khoảng hơn 78 tỷ USD. Các khoản ODA mà Việt Nam đã ký kết trong 20 năm qua với bình quân khoảng 3 tỷ USD/năm là một nguồn lực tài chính đáng kể được Việt Nam sử dụng hiệu quả trong tiến trình đổi mới toàn diện đời sống kinh tế-xã hội.

Có được thành công đó là nhờ Chính phủ Việt Nam luôn giữ vững được lập trường của mình trong tiếp nhận nguồn vốn ODA, phù hợp với những điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đúng như tinh thần của thông điệp mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi tới Hội nghị bàn tròn về viện trợ phát triển chính thức (ODA) dành cho Việt Nam ở Paris 20 năm trước, rằng: Chính phủ Việt Nam nhận trách nhiệm điều phối và sử dụng viện trợ nước ngoài, với nhận thức sâu sắc rằng nhân dân Việt Nam sẽ là người gánh chịu cái giá phải trả cho sự thất bại nếu nguồn vốn này không được sử dụng có hiệu quả, trong 20 năm qua, bình quân khoảng 4 năm/lần, các nghị định của Chính phủ về quản lý và sử dụng ODA được đổi mới. Đặc biệt là chính sách phân cấp cho các cơ quan chủ quản trong quá trình thực hiện, tăng cường giám sát thực hiện các chương trình dự án ODA, nhờ đó, nguồn vốn ODA đã phục vụ đúng các mục tiêu phát triển đất nước.

Điều đó cũng lý giải vì sao mà nguồn vốn cam kết ODA mà các nhà tài trợ cho Việt Nam thường gia tăng, năm sau cao hơn năm trước, kể cả giai đoạn kinh tế thế giới khủng hoảng và kinh tế các nước tài trợ gặp khó khăn. Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, khẳng định: Một trong những lý do chính cho thành công rực rỡ của Việt Nam trong hợp tác ODA là sự điều hành sát sao của Chính phủ Việt Nam, nhất là trong định hướng chiến lược, xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp. Việt Nam cũng đã tìm ra cách thức đưa những ý tưởng, kiến thức và ý kiến do các đối tác phát triển đóng góp để áp dụng vào thực tiễn của Việt Nam. Lý do thứ 2 là nhờ Chính phủ Việt Nam đã sử dụng trợ giúp ODA như công cụ để đánh giá các lựa chọn và quyết định đúng đắn về chính sách đối với nhiều lĩnh vực khác nhau.

20 năm đồng hành cùng Việt Nam phát triển - ảnh 2
Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam - bà Victoria Kwakwa. Ảnh: VCCI

Tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam phát triển
Dù đã đi được một chặng đường dài 2 thập kỷ phát triển nhưng theo nhận định chung của các chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước không ít khó khăn và thách thức trong chặng đường phát triển tới.

Trước hết, đó là áp lực làm sao đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án ODA đã ký kết trong giai đoạn 2006-2010, đồng thời phải xử lý hài hòa các nguồn vốn chịu các điều kiện tài chính kém ưu đãi hơn khi Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, điều đáng mừng là cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ khẳng định tiếp tục đồng hành với quá trình phát triển của Việt Nam. Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, một trong những nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam, ông Motonori Tsuno cam kết: Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến 2020 trở thành nước công nghiệp và để thực hiện mục tiêu này Việt Nam tập trung 3 ưu tiên lớn: Thứ nhất là hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thứ hai là phát triển nguồn nhân lực và thứ 3 là hoàn thiện về thể chế chính sách. Chúng tôi có thể hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện các mục tiêu này. Từ trước đến nay chúng tôi đã tiến hành và trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cả về mặt tài chính cũng như cả về kỹ thuật, công nghệ.

Đánh giá cao sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, trong lễ kỷ niệm 20 năm hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã xúc động bày tỏ: Đối với Việt Nam, sự hỗ trợ của các đối tác tài trợ không chỉ là những đồng vốn quý báu lúc Việt Nam còn nghèo, những hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách phát triển khi Việt Nam còn rất khó khăn trong chuyển đổi nền kinh tế, mà còn mang đậm tình hữu nghị, tính nhân văn, tinh thần cộng đồng tương trợ lẫn nhau. Chính phủ Việt Nam luôn trân trọng và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA của cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ không phụ lòng tin của cộng đồng quốc tế.

Trên nền tảng quan hệ đối tác đã được xây dựng và phát triển 20 năm qua, Việt Nam luôn mong muốn  tiếp tục nhận được sự hợp tác mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn nữa của bạn bè quốc tế, nhằm hỗ trợ Việt Nam củng cố vững chắc thành quả đã đạt được, tiếp tục đưa đất nước Việt Nam phát triển bền vững và thịnh vượng./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu