Tam Chúc - Khu du lịch tâm linh hấp dẫn tại Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Tam Chúc không chỉ là nơi du khách về với đất Phật mà còn được  thưởng ngoạn cảnh quan cũng như đi tìm lại những khoảnh khắc an yên trong tâm hồn.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tam Chúc - Khu du lịch tâm linh hấp dẫn tại Việt Nam - ảnh 1 Chùa Tam Chúc. Ảnh: laodong.vn

Khu du lịch hồ Tam Chúc thuộc xã Ba Sao huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách Hà Nội khoảng hơn 60km; một bên giáp với huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và cách khu du lịch Hương Sơn khoảng 3km đường leo núi. Theo truyền thuyết dân gian, ngày xưa có 7 vì sao sáng sa xuống vùng núi non Tam Chúc chính là 7 nàng tiên của nhà trời xuống trần thế ngao du.

Phong cảnh non nước hữu tình của Tam Chúc khiến các nàng tiên mải vui quên đường về. Nhà trời đã sáu lần mang chuông xuống rung gọi các nàng về trời, nhưng lần nào tiếng chuông cũng rơi xuống lòng hồ, thấm vào đá núi, vào mênh mang hạ giới. Sự tích “Tiền lục nhạc - Hậu thất tinh” khởi nguồn từ đó: mặt trước có 6 quả núi trên mặt hồ như 6 quả chuông của nhà trời, phía sau có 7 ngọn núi phát sáng như vẻ đẹp tỏa sáng của 7  tiên sa.

Hàng ngàn năm trước, người xưa đã chọn Tam Chúc để xây dựng những công trình tâm linh. Cách đây gần 20 năm, công nhân làm thủy lợi phát hiện dưới lòng hồ Tam Chúc rất nhiều cột gỗ, cột đá, xà đá, có những cột gỗ đường kính trên 1 m. Giữa hồ, vẫn còn ngôi đình Tam Chúc.

Bước đầu, các nhà khảo cổ kết luận, chùa Tam Chúc có niên đại trên 1.000 năm. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phục dựng ngôi chùa Tam Chúc. Năm 2013, chùa Tam Chúc được công nhận là khu du lịch quốc gia.

Thượng toạ Thích Minh Quang, Đại diện chùa Tam Chúc, chia sẻ: "Trung tâm văn hóa Phật giáo Chùa Tam chúc có một khuôn viên rộng lớn, cảnh quan rất đẹp. Có Tiền lục nhạn, hậu thất tinh, bao bọc bởi đồi núi chập trùng và hồ nước mênh mông, cảnh quan rất đẹp. Rất vinh dự được Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc đã chọn Tam Chúc là nơi tổ chức Đại lễ 2019. Đây là cơ hội quảng bá, giới thiệu với bạn bè quốc tế về Phật giáo Việt Nam, về phong cảnh đất nước, con người và du lịch của Việt Nam cũng như của tỉnh Hà Nam".

Quân thể khu di tích Chùa Tam Chúc mới được xây dựng có tổng diện tích gần 5.000 ha, bao gồm hồ nước, núi đá rừng tự nhiên và các thung lũng. Trên trục thần đạo Chùa Tam Chúc gồm: Chùa Ngọc, Điện Tam Thế, Điện Pháp Chủ, Điện Quan Âm, Cổng Tam Quan, Phòng họp Quốc tế.

Thượng toạ Thích Minh Quang cho biết thêm: "Chùa Ngọc trên đỉnh núi thờ một pho tượng Phật bằng Hồng ngọc nặng trên 4 tấn. Chùa Ngọc được lắp ghép bằng những viên đá granit đỏ do các nghệ nhân Ấn Độ Hindu giáo chế tác và lắp ghép. Điều đặc biệt của Chùa Ngọc là tất cả các phiến đá được lắp ghép mà không dùng đến keo hoặc xi măng. Ngôi điện trên cao nhất là thờ ba pho tượng Tam thế phật là quá khứ, hiện tại và vị lai. Ngôi điện Tam thế phật với 3.500 mét vuông, được xây hai tầng và mỗi pho tượng Phật ở đây nặng hơn 80 tấn".

Điều đặc biệt ấn tượng là 4 bức tường cực lớn ở điện Tam Thế được trang trí bởi 12.000 bức tranh đá chạm khắc tinh xảo gửi gắm biết bao câu chuyện nhân văn tái hiện cuộc đời Đức Phật. Thượng toạ Thích Minh Quang cho biết: "Ngôi điện thứ nhất có 12 nghìn bức tranh bằng đá núi lửa của Indonesia và do các nghệ nhân nổi tiếng người Hồi giáo của đất nước này chế tác. Ngôi điện thứ 2 là thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hay còn gọi là điện Giáo chủ có pho tượng nặng 150 tấn. Ngôi điện này cũng có các bức phù điêu bằng đá núi lửa nói về cuộc đời của Đức Phật như lúc Ngài đản sinh, thành đạo hay nhập cõi niết bàn. Ngôi điện thứ 3 là Điện Quán Âm. Điện có tượng Quan thế âm Bồ tát bằng đồng rất lớn, nặng trên 150 tấn. Điện có những bức tranh phù điêu bằng đá nói về sự tích của Quán Âm cứu khổ, cứu nạn"

Ngoài ấn tượng các bức tượng Phật, chùa Tam Chúc còn có vườn cột kinh khổng lồ với 1.000 cột đá, mỗi cột cao 14 m, nặng 200 tấn làm từ đá xanh Thanh Hóa. Đây sẽ là vườn kinh lớn nhất thế giới với hàng ngàn bài kinh kệ đặc sắc. Một báu vật đặc biệt nữa là cây bồ đề được chiết từ "Cây Bồ Đề Vĩ Đại Cát Tường" (Jaya Sri Maha Bodhi) 2.250 tuổi và được coi là báu vật của đất nước Sri Lanka ở Thánh tích Mahamegha, Cố đô Anuradhapura - Sri Lanka.

Trong Bảo tháp còn đặt một pho tượng đá ngọc nặng 4,9 tấn. Chị Hà Thanh, du khách ở Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Tôi đã đi nhiều ngôi chùa ở Việt Nam và một số nước khác...những thực sự ấn tượng và bỡ ngỡ khi đến Tam Chúc. Hiếm có một ngôi chùa nào nằm trên sườn núi, hướng ra hồ nước mênh mông, xunh quanh là núi rừng cùng phong cảnh đẹp như vậy. Thực sự ấn tượng. Cùng với đó là những pho tượng nhưng cột kinh Phật trên đá cùng sự bề thế uy nghiêm của Tam Chúc khiến chúng tôi đi được về với đất Phật để hiểu hơn về Phật pháp, thấy tâm hồn thư thái, an lành".

Bao quanh chùa Tam Chúc còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như động Vòng, động Cô Đôi, chùa Thiên Phúc, chùa Bà Đanh, đền Lý Thường Kiệt, chùa Thi, Động Thủy, đền Lê Chân, chùa Ông, chùa Tam Giáo… Tam Chúc chỉ cách chùa Hương 4,5 km, cách Bái Đính 30 km, tạo nên con đường du lịch tâm linh kết nối di sản văn hóa - thiên nhiên đặc sắc, phong phú nhất Việt Nam: Hoàng Thành Thăng Long - chùa Hương - Tam Chúc  - Bái Đính - Cố đô Hoa Lư - quần thể Tràng An, đồng thời mở ra những trang mới đột phá cho ngành du lịch Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu