Nông nghiệp hữu cơ mang trái ngọt cho những vùng đất chết

Hồng Anh
Chia sẻ
(VOV5) - "Lâu nay mọi người vẫn nghĩ Quảng Trị là vùng đất gió Lào, đất cát bạc màu, nhưng với công sức và sự chịu khó, đồng thuận của bà con nông dân, đã biến vùng đất đó thành vùng đất cho trái ngọt".

Công ty TNHH sản xuất và thương mại Đại Nam vừa chính thức công bố loại gạo chứa nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe. Đó là Gạo Ong biển có chứa hai hợp chất Momilactone A và Momilactone B, có tác dụng chống tiểu đường, béo phì, bệnh gút. Điều đặc biệt, loại gạo này được trồng tại Quảng Trị, vùng đất của gió Lào cháy bỏng, đất cát bạc màu. Phương pháp trồng lúa hữu cơ không chỉ cho ra những sản phẩm chất lượng cao mà còn góp phần hồi sinh vùng đất chết. Phóng viên VOV5 phỏng vấn ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị về những nội dung này.

Nông nghiệp hữu cơ mang trái ngọt cho những vùng đất chết - ảnh 1

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị

Nghe nội dung phỏng vấn tại đây:

Phóng viên (PV): Thưa ông, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là định hướng từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, để thay đổi tập quán sản xuất, cũng như biến đổi khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng đất đai, hay trình độ tay nghề của người nông dân vốn quen sản suất theo hướng cổ truyền, là điều không đơn giản. Chính vì vậy, có thể nói việc sản xuất ra loại gạo hữu cơ trên cánh đồng Quảng Trị, quả thực là một kỳ tích!

Ông Hà Sỹ Đồng: Khi sâu bệnh còn hoành hành thì người nông dân phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và làm ô nhiễm môi trường. Sau khi nghiên cứu về thị trường đầu ra, đồng thời ứng dụng các chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng tôi xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cho ra những sản phẩm thân thiện môi trường và có sức cạnh tranh. Chúng tôi đã tìm hiểu nhiều nhà máy sản xuất phân bón cả ở trong và ngoài nước. Và khi vào Vũng Tàu tìm hiểu về công ty Đại Nam, thấy rằng quy trình sản xuất phân bón Ong Biển là hoàn toàn hữu cơ, có ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đi tham quan các mô hình đã sử dụng phân bón Ong Biển ở một số địa phương thì thấy đều đạt kết quả và năng suất chất lượng, đẩy lùi được nhiều loại bệnh tật của cây trồng. Chúng tôi đã đưa loại phân bón hữu cơ này về Quảng Trị để sản xuất thử, và thấy đảm bảo được yêu cầu, không cần phải sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó lãnh đạo tỉnh mời công ty Đại Nam ra Quảng Trị để thực hiện liên kết 4 nhà và cho đến nay rất thành công. Các mẫu gạo đã được kiểm định trong nước và gửi cả ra nước ngoài, được Đại học Hirosima của Nhật Bản công bố trên 500 chỉ số của gạo hữu cơ Quảng Trị đều đạt tiêu chuẩn là gạo hữu cơ sạch, thân thiện môi trường. Chúng tôi coi đây là thành công trong việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp thân thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, đồng thời có giá trị để cạnh tranh trên thị trường.

Nông nghiệp hữu cơ mang trái ngọt cho những vùng đất chết - ảnh 2

"Lúc đầu khi người nông dân chưa tin, chúng tôi đã cam kết rằng nếu không đạt năng suất chất lượng, không đạt yêu cầu mà người nông dân đặt ra thì công ty sẽ bù lỗ cho bà con"

PV: Lúc bắt đầu đem phương pháp canh tác hữu cơ về để trồng lúa, chắc hẳn đã gặp nhiều khó khăn, thưa ông?

Ông Hà Sỹ Đồng: Lúc đầu người nông dân không tin vì ruộng trồng lúa hữu cơ phải làm liền mảnh chứ không sản xuất manh mún, phải dồn điền đổi thửa để tạo cả cánh đồng lớn. Nguồn nước cũng phải sử dụng riêng, không dùng chung với nguồn nước đã bị ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt quy trình từ khi làm đất, đến khi tưới nước, chăm sóc, gieo xạ… đều phải tuân thủ quy trình riêng biệt khác hẳn sản xuất truyền thống trước đây. Lúc đầu khi người nông dân chưa tin, chúng tôi đã cam kết rằng nếu không đạt năng suất chất lượng, không đạt yêu cầu mà người nông dân đặt ra thì công ty sẽ bù lỗ cho bà con. Đến giờ thì người nông dân đã hoàn toàn tin tưởng vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

PV: Quảng Trị vốn được biết đến là vùng đất nhiễm độc nhiều, đặc biệt là chất độc da cam rải xuống trong chiến tranh. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng cây trồng?

Ông Hà Sỹ Đồng: Tất nhiên phải có phương pháp cải tạo đất, loại bỏ độc tố trong đất thì mới đạt được kết quả như vậy. Quảng Trị chịu nhiều sự hủy diệt trong chiến tranh, nhưng thực tế thì dioxin chủ yếu là rải trên rừng nên chúng tôi chọn trồng lúa ở những vùng sản xuất nông nghiệp ven biển. Trước khi làm đã có sự kiểm tra độ phèn, độ PH, nguồn nước cũng như chất đất để đảm bảo 100% đạt tiêu chuẩn sạch, đem lại sức khỏe cho người tiêu dùng.

Nông nghiệp hữu cơ mang trái ngọt cho những vùng đất chết - ảnh 3

Khảo sát thực địa những cánh đồng canh tác theo phương pháp hữu cơ

PV: Còn để nói về việc thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư khi đến với Quảng Trị, thì tỉnh đã có những chính sách như thế nào thưa ông?

Ông Hà Sỹ Đồng: Tùy theo hạng mục dự án, tỉnh có cam kết về các thủ tục như thủ tục giao đất, cấp chứng nhận đầu tư, đánh giá tác động môi trường, các dự án thuộc chính sách hỗ trợ cũng có cam kết giải ngân đúng tiến độ. Chúng tôi cũng đã thành lập trung tâm dịch vụ hành chính công của tỉnh, trong đó có cán bộ của tất cả các sở ban ngành, nhận hồ sơ và trả kết quả theo đúng ngày giờ được thông báo qua điện thoại, zalo. Đặc biệt nữa, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con cần cung cấp sản phẩm mà các doanh nghiệp họ cần để doanh nghiệp yên tâm gắn kết giữa nhà tiêu dùng, nhà sản xuất và nhà chế biến. Chính vì vậy, đa số các doanh nghiệp và nhà đầu tư đến Quảng Trị đều hài lòng và yên tâm đồng hành cùng với người nông dân Quảng Trị. Như Đại Nam, họ đã tiếp tục nhân rộng diện tích trồng gạo hữu cơ, đồng thời mở nhà máy bảo quản, chế biến, đóng bao bì, xây dựng thương hiệu để lan tỏa trên thị trường cả ở trong nước và nước ngoài.

PV: Như vậy có thể khẳng định rằng Quảng Trị đã rất thành công khi quyết tâm đi theo một hướng đi mới là sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ để cho ra những sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe con người?!

Ông Hà Sỹ Đồng: Chúng tôi rất vui mừng khi gạo hữu cơ Quảng Trị được ĐH Nhật Bản kiểm tra và khẳng định giá trị các hợp chất quý gấp 30.000 lần của vàng, trong đó có 2 hợp chất có thể chữa được các bệnh thường gặp hiện nay. Chúng tôi rất tự hào về sự cần cù, chịu khó, đồng lòng của lãnh đạo tỉnh và bà con nhân dân, đã biến những khó khăn thách thức thành thuận lợi. Lâu nay mọi người vẫn nghĩ Quảng Trị là vùng đất gió Lào, đất cát bạc màu, nhưng với công sức và sự chịu khó, đồng thuận của bà con nông dân, đã biến vùng đất đó thành vùng đất cho trái ngọt, trồng thành công lúa gạo hữu cơ, mang lại giá trị thiết thực cho người tiêu dùng.

PV: Vâng xin cảm ơn ông.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu