Việt Nam luôn ủng hộ hợp tác Nam - Nam

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Hợp tác Nam - Nam là hình thức hợp tác thúc đẩy phát triển hiệu quả thông qua học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và công nghệ giữa các nước đang phát triển. 

Ngày 22/3, Hội nghị Cao cấp của Liên hợp quốc lần thứ 2 về hợp tác Nam - Nam  kết thúc sau 3 ngày họp tại Buenos Aires (Argentina). Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu tham dự sự kiện này. Việc tham dự Hội nghị đã khẳng định cam kết, ủng hộ của Việt Nam đối với hợp tác Nam - Nam; nhấn mạnh sự tham gia của Việt Nam vào hợp tác Nam - Nam, chia sẻ kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội.

Hợp tác Nam - Nam là hình thức hợp tác thúc đẩy phát triển hiệu quả thông qua học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và công nghệ giữa các nước đang phát triển. Hợp tác Nam - Nam cung cấp những giải pháp cụ thể với những thách thức phát triển chung của toàn cầu; chia sẻ những bài học thực tiễn tốt nhất, tài trợ cho các dự án thí điểm, cung cấp vốn cho việc mở rộng các dự án thành công, phát triển và áp dụng thích hợp các công nghệ.

Tích cực tham gia hợp tác Nam - Nam

Việt Nam luôn tham gia tích cực và ngày càng sâu rộng trong các quan hệ hợp tác với các quốc gia đang phát triển khác (hợp tác Nam - Nam) và hợp tác Ba bên với sự tham gia của các nước phát triển và nhà tài trợ. Việt Nam đã đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch khóa 17 Ủy ban cấp cao về hợp tác Nam-Nam, tham gia Đối thoại Nam-Nam. Chính phủ Việt Nam cũng  thông qua Văn kiện Quan hệ đối tác Việt Nam (VPD), trong đó cam kết “tăng cường hợp tác với các quốc gia đang phát triển khác thông qua việc mở rộng thương mại, đầu tư, chia sẻ kiến thức và hợp tác kỹ thuật”. Trên định hướng này, thời gian qua, Việt Nam tích cực mở rộng hợp tác song phương với các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á, châu Phi, Mỹ Latin và Carribe.

Việt Nam luôn ủng hộ hợp tác Nam - Nam - ảnh 1 Ngày 20/3, Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị Cao cấp của Liên hợp quốc lần thứ 2 về hợp tác Nam - Nam. Ảnh: VTV

Đối với nhiều nước châu Phi, Việt Nam có quan hệ hợp tác chặt chẽ và trên nhiều lĩnh vực như an ninh lương thực, hợp tác nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, giáo dục - đào tạo, y tế, giảm nghèo và bảo vệ môi trường,...Trong hầu hết quan hệ đối tác với các nước khu vực này, Việt Nam đóng vai trò là bên chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao kiến thức, đặc biệt là thông qua hình thức cử chuyên gia đi đào tạo và chuyển giao công nghệ. Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương với nhiều nước như Angola, Mozambique, Egypt, Libia...trong các lĩnh vực xuất khẩu lúa gạo, phát triển cây cao su, cà phê, điều, rau quả, nuôi trồng thủy sản...

Đối với nhóm các nước Mỹ Latin và Carribe, quan hệ của Việt Nam với khu vực này thực sự được bắt đầu mở rộng và phát triển mạnh từ khi Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Tính đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước Mỹ Latinh. Việt Nam đã thiết lập cơ chế Ủy ban Liên Chính phủ với 5 nước Mỹ Latinh, cơ chế Tham khảo chính trị với 15 nước, ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác, tạo cơ chế và khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho quan hệ với các nước khu vực này.

Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm

Với chủ đề “Vai trò của hợp tác Nam - Nam và việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững: cơ hội và thách thức”, Hội nghị Cao cấp của Liên hợp quốc lần thứ 2 về hợp tác Nam - Nam đánh giá tiến trình 40 năm triển khai Kế hoạch hành động Buenos Aires (BAPA) về thúc đẩy và thực hiện hợp tác kỹ thuật giữa các nước đang phát triển và đề ra các phương hướng hợp tác Nam - Nam trong thời gian tới.

Trong thời gian tham dự Hội nghị, đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn dẫn đầu có các bài phát biểu quan trọng tại Phiên toàn thể và tham gia thảo luận tại các buổi tọa đàm, đối thoại được tổ chức nhân dịp Hội nghị. Việt Nam khẳng định sự sẵn sàng chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm, bài học rút ra từ sự phát triển và hội nhập của Việt Nam với các nước đang phát triển có những điều kiện, hoàn cảnh tương đồng với Việt Nam. Bên cạnh các lĩnh vực có thế mạnh truyền thống như nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, y tế..., Việt Nam mong muốn mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng, thiết thực đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển trên cơ sở cùng có lợi. Việt Nam cho rằng cần tăng cường hiệu quả của các diễn đàn, khuôn khổ hợp tác Nam-Nam ở cấp độ toàn cầu cũng như khu vực để tăng cường tiếng nói và thúc đẩy các lợi ích chung của các nước đang phát triển trong xử lý các vấn đề toàn cầu.

Hội nhập quốc tế là một ưu tiên lớn, một định hướng chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việc Việt Nam coi trọng và tích cực đóng góp vào thúc đẩy hợp tác Nam - Nam là bước đi mạnh mẽ, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới cũng như phù hợp với thực tiễn đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu