Bước ngoặt nguy hiểm trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Có thể quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ ngày 01/09, là giọt nước làm tràn ly.

Một loạt động thái trả đũa trong lĩnh vực kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong ngày 5/8 đang đẩy thương chiến Mỹ - Trung bước sang giai đoạn nguy hiểm mới. Diễn biến này cho thấy 2 bên chưa có dấu hiệu muốn hạ nhiệt căng thẳng, điều này đồng nghĩa với việc kinh tế thế giới còn đối diện với rất nhiều rủi ro.

Không chỉ là cuộc chiến thương mại đơn thuần, căng thẳng Mỹ - Trung còn là cuộc đối đầu địa chính trị giữa 2 nền kinh tế lớn. Và thế giới đang phải sống với những bất định và rối loạn khi đối đầu chiến lược Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng.

Bước ngoặt nguy hiểm trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung - ảnh 1Ảnh minh họa/ tài chính.vn 

Trả đũa dồn dập

Chỉ trong vòng 1 ngày, thế giới đã chứng kiến phản ứng mạnh tay nhất của Trung Quốc đối với Mỹ từ khi chiến tranh thương mại bùng phát. Có thể quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ ngày 01/09, là giọt nước làm tràn ly, đẩy mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung leo thang căng thẳng. Lần đầu tiên sau 10 năm, Trung Quốc cho phép đồng nhân dân tệ mất giá 2%, xuống ngưỡng trên 7 nhân dân tệ đổi được 1 USD. Đồng tệ giảm khiến hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ hơn đối với các nhà nhập khẩu nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp nước này khỏi thiệt hại từ đợt thuế mới của Tổng thống Trump có hiệu lực ngày 1/9.

Cũng trong thời điểm này, các doanh nghiệp Trung Quốc, một trong những khách hàng lớn nhất của nông nghiệp Mỹ, quyết định ngừng nhập khẩu hàng nông sản của Hoa Kỳ.

Ngay sau động thái của Trung Quốc, phía Mỹ chính thức gọi Trung Quốc là "thao túng tiền tệ" và sẽ cùng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngăn cản các hình thức cạnh tranh không lành mạnh từ Bắc Kinh. Theo Bộ Tài chính Mỹ, hành động của Trung Quốc đã vi phạm cam kết sẽ không phá giá đồng tiền, một trong những cam kết của nhóm 20 nước công nghiệp (G20). 

 Bước đi này của Washington càng làm gia tăng căng thẳng Mỹ - Trung, và hiện thực hóa lời cảnh báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump liệt Trung Quốc vào diện các nước thao túng tiền tệ, động thái mà các đời Tổng thống Mỹ gần đây đều tránh vì được coi là bước leo thang nghiêm trọng trong căng thẳng song phương.

Tác động  tiêu cực đến kinh tế Mỹ  - Trung và toàn cầu

Kinh tế Mỹ - Trung và toàn cầu bị tác động ngay lập tức sau khi căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới bị đẩy lên đỉnh điểm. Ngày 5/8 là ngày giảm điểm tệ nhất của thị trường Mỹ trong năm nay. Cổ phiếu bị bán tháo nhiều nhất ở các ngành công nghệ, các ngành sản xuất công nghiệp và hàng tiêu dùng - được dự đoán sẽ chịu tác động của thương chiến. Việc phá giá cũng sẽ gây áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), buộc cơ quan này phải xem xét thực thi các đợt cắt giảm lãi suất mới.

Phá giá đồng tiền cũng có thể khiến Trung Quốc thiệt hại. Nhiều công ty nước này trong các ngành như bất động sản hay công nghiệp nặng đã vay các khoản nợ lớn, tính bằng USD. Đồng tệ yếu đi sẽ tăng gánh nặng trả các khoản nợ này. Các công ty phụ thuộc vào hàng hóa được định giá bằng USD như dầu mỏ cũng phải “chịu trận”. Vì vậy, khi một cường quốc phá giá đồng tiền, giới đầu tư luôn lo ngại.

Cùng với Mỹ và Trung Quốc, thị trường toàn cầu bị thiệt hại đáng kể. Các chỉ số chứng khoán ở châu Á và châu Âu đều tụt dốc. Ngưỡng 7:1 (7 đồng tệ đổi 1 USD)  được xem là “lằn ranh đỏ” đối với các thị trường trên thế giới, khi bị phá vỡ, sẽ kích hoạt các phản ứng tiêu cực từ giới đầu tư. Khi Bắc Kinh tiếp tục phá giá đồng tệ, các nước ở Đông Á và Đông Nam Á cạnh tranh cùng ngành với Trung Quốc sẽ chịu sức ép phải phá giá chính đồng tiền của mình. Việc này có thể dẫn đến lạm phát cao hơn, làm giảm tiêu dùng gia đình và khiến tiền luân chuyển một cách bất thường qua biên giới. Các lệnh áp thuế mới cũng như các biện pháp bảo hộ khác có thể sẽ diễn ra.

Trong khi đó, báo cáo đánh giá tác động chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được Tổ chức Grant Thornton phát ra chiều 5/8 cho rằng bất luận những hệ quả của cuộc chiến này như thế nào thì mô hình thương mại của khu vực có thể thay đổi một cách vĩnh viễn. Các doanh nghiệp cần cân nhắc về phương pháp đảm bảo tăng trưởng trong hoàn cảnh phải đối mặt với sự gián đoạn thương mại lâu dài. Điều này đòi hỏi sự đương đầu với những thách thức từ gián đoạn chuỗi cung ứng, cải tổ công nghệ….

Với tình hình hiện nay, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ còn có những diễn biến khó lường. Trong bối cảnh đó, cuộc chiến thương mại này sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng xấu đến khu vực, cuốn theo bất ổn kinh tế toàn cầu cũng như làm giảm sút niềm tin trên toàn châu Á - Thái Bình Dương.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu